Quy hoạch không gian biển Việt Nam vì đại dương bền vững Điều chỉnh tổng thể quy hoạch, Hà Nội sẽ thay đổi như thế nào?

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng.

Phát triển 4 vùng động lực

Thông tin về kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thái Hà cho biết, Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Trong đó tập trung vào một số định hướng cụ thể như: Về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Nghị quyết xác định phát triển 4 vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia. Trong đó, phát triển vùng động lực phía Bắc, bao gồm Thủ đô Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia. (Ảnh: Quốc hội)

Theo Nghị quyết, xây dựng vùng động lực phía Bắc đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển - đảo và công nghiệp đóng tàu;

Nghị quyết xác định phát triển vùng động lực phía Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Xây dựng vùng động lực phía Nam dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.

Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc

Với vùng động lực miền Trung: Hình thành, phát triển vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến biển) thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Đồng thời, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá;

Quốc hội cũng xác định hình thành, phát triển vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm thành phố Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và thành phố Phú Quốc; trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực gắn với cảng biển Trần Đề, Sóc Trăng.

Xây dựng vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp. Hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; xây dựng vùng trở thành trung tâm quốc gia về khoa học công nghệ nông nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và đồng bằng sông Hồng; vùng Tây Nguyên; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và phụ cận).

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thái Hà, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.