Bộ Tài chính: Thanh, kiểm tra việc liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng Gần 8.000 sinh viên được trang bị kỹ năng quản lý tài chính Ngành Tài chính liên tục dẫn đầu về chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn) cho biết, hiện nay, ngành Tài chính Ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Tăng cường an ninh thông tin, đào tạo nhân lực, cải thiện quản lý rủi ro và đảm bảo tính minh bạch. Vì vậy, phát triển bền vững hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam là một trong những ưu tiên của quốc gia.

Phát triển bền vững hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn) phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: T.P)

“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tăng cường hợp tác giữa các tổ chức Tài chính Ngân hàng, Chính phủ, các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng. Chúng ta cần đưa ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường kinh doanh thân thiện với các doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại; đồng thời tăng cường đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Tài chính Ngân hàng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam”.

Cho đến nay, tuy bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đã có nhiều biến đổi, đặc biệt là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ nhưng hệ thống tiền tệ, ngân hàng vẫn tiếp tục là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam. Vai trò huyết mạch của nền kinh tế được thể hiện thông qua vai trò trung gian huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để cung ứng, phân bổ nguồn vốn tín dụng một cách có hiệu quả, thực hiện vai trò thanh, quyết toán hỗ trợ khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.

Phát triển bền vững hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: T.P)

Hòa vào dòng chảy phát triển của đất nước nói chung và ngành Tài chính Ngân hàng nói riêng, Trường Đại học Công đoàn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và ngành Tài chính Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số.

“Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà thực tiễn về vấn đề chuyển đổi số trong ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển bền vững hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi sổ”. Hội thảo nhằm phân tích xu hướng chuyển đổi số, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng ở Việt Nam, qua đó nhận diện các vấn đề đặt ra đối với phát triển ngành Tài chính Ngân hàng bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng thông tin.

4 chủ đề chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo bao gồm: Những vấn đề lý luận về chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số đối với hệ thống Tài chính Ngân hàng; thực trạng và xu hướng chuyển đổi số trong hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam; những cơ hội, thách thức và định hướng phát triển bền vững hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số; giải pháp phát triển bền vững hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, chuyển đổi số trong ngành Tài chính Ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt, đóng vai trò tiên phong góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nói chung. Sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa làm thay đổi hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính, đồng thời đem lại những cải tiến đột phá trong việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức tài chính.

Các công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… đang từng bước góp phần đổi mới toàn diện diện mạo của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính và mở ra triển vọng của một hướng đi mới, một kỷ nguyên mới cho toàn ngành Tài chính Ngân hàng.