Bình Dương: Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 92,4% kế hoạch Đồng Nai phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 trong đó nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán năm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu ước đạt 3 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 5,4% so với cùng kỳ (51,34%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 104 nghìn tỷ đồng.

Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%
Ảnh minh họa.

Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về sản lượng, 35 % về giá trị so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4%. Khách quốc tế đến nước ta tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt người, tính chung 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách của cả năm 2023.

Trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Kịp thời, bình tĩnh, sáng suốt trong phản ứng chính sách; tranh thủ, tận dụng các yếu tố thuận lợi, cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm; hóa giải các khó khăn, thách thức; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quyết liệt thực hiện các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất 05/15 chỉ tiêu dự kiến khó đạt của năm 2023.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ thực hiện tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, việc điều chỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2023 theo đúng quy định của pháp luật; quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để hoàn thành việc giao vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định.

Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện và tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp cơ sở; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ủy ban Dân tộc khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp toàn diện cho cấp huyện trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/12/ 2023.