Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong những tháng đầu năm [Infographic]: Vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt hơn 4.650 nghìn tỷ đồng Những lưu ý khi chuyển tiền, rút tiền mặt, giao dịch trực tuyến trong dịp Tết

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo.

Qua khảo sát, VCCI cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp có thể vay vốn được từ hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nếu như năm 2017 có 49,37% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng thì con số này giảm qua các năm và chỉ còn 35,41% trong năm 2021. Điều đó cho thấy các chính sách của Luật Tổ chức tín dụng cần được xây dựng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để thu hút khách hàng.

“Tuy nhiên, nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và các tài liệu thuyết minh chưa thể hiện được định hướng này. Trong các phần xác định vấn đề bất cập, bối cảnh và mục tiêu xây dựng chính sách chưa đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về thực trạng, quan điểm và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật”, VCCI đề nghị.

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP)

Cũng theo VCCI, Điều 10.5 của Dự thảo quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi tổ chức tín dụng dừng giao dịch. Tuy nhiên, dường như quy định này mới chỉ áp dụng cho hình thức giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đã có hình thức giao dịch trực tiếp qua website hoặc các ứng dụng điện thoại.

Việc dừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro. Trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến kèm với một số tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt như đã từng diễn ra với trường hợp của một ngân hàng cuối năm 2022. Do đó, VCCI đề nghị quy định về dừng giao dịch trực tuyến cần được nghiên cứu và thiết kế một cách thận trọng.

Cụ thể, trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến vì các lý do kỹ thuật (như để bảo trì máy móc) thì các ngân hàng chủ động. Trong trường hợp ngân hàng chủ động dừng giao dịch trực tuyến nhằm chặn người dân rút tiền hàng loạt thì cần có hướng xử lý kỹ hơn, ví dụ như quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, nghĩa vụ báo cáo đối với trường hợp này.

Trong dự thảo đề xuất sửa đổi Luật đã sửa đổi quy định về công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Cụ thể, trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép ngừng giao dịch quá 1 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này.

VCCI cũng góp ý vào Chính sách 8 trong Dự thảo về đề nghị bổ sung án phí vào diện nghĩa vụ không có bảo đảm trong thứ tự ưu tiên thanh toán. Theo đó, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán cho chủ nợ trước khi thanh toán án phí.

Thông thường, án phí và các chi phí khác để giúp xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu cần được ưu tiên thanh toán trước. Điều này sẽ giúp các bên liên quan có động lực để cùng giúp xử lý nợ xấu. Nếu không ưu tiên thanh toán án phí có thể dẫn đến hệ quả là giảm động lực của Toà án trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý nợ. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại đề xuất chính sách này.

Bên cạnh đó, theo VCCI, chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng là một trong những chính sách có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát của VCCI, cơ sở pháp lý của chính sách này rất mỏng, dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo Luật này và trình Quốc hội quyết định.