Xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng nhưng chưa hết khó khăn Thách thức cho xuất khẩu những tháng cuối năm Xuất khẩu gặp khó vì lạm phát toàn cầu

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Sau hơn 1 năm thực thi, mặc dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) vẫn đạt mức tăng trưởng cao, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng từ FTA này còn rất lớn.

Tại Tọa đàm với chủ đề: “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA” do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 11/11, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, Hiệp định UKVFTA đã giúp cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và UK. Cùng với đó, các DN Việt Nam tận dụng được nhiều hơn các nguồn nguyên liệu, các công nghệ, các sản phẩm mà UK có thế mạnh để giúp nâng cao năng lực sản xuất.

Tận dụng UKVFTA có mặt hàng xuất khẩu vào UK tăng trưởng 100%
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, UK là thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng đối với Việt Nam.

Đáng chú ý, đại đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng xuất khẩu vào UK, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… Điều này cho thấy, các DN cũng đã hướng đến thị trường UK là một kênh để đa dạng thị trường xuất khẩu.

“UK đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho Việt Nam. Cùng với đó, đã có một tư duy của các nhà nhập khẩu UK hướng đến Việt Nam vì có UKVFTA để tìm thêm nguồn cung, đa dạng nguồn cung. Bên cạnh đó, UK là một thị trường lớn, sức mua cao nên đây là thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng đối với Việt Nam”, ông Khanh thông tin.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực thi UKVFTA, xuất phát từ thị trường UK có tiêu chuẩn cao với những yêu cầu về môi trường, lao động rất khác nên các DN cần phải có thêm thời gian để thích ứng. Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường UK muốn tồn tại và phát triển, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải đảm bảo được các yếu tố về phát triển bền vững.

Tận dụng UKVFTA có mặt hàng xuất khẩu vào UK tăng trưởng 100%
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, các DN Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội do UKVFTA mang lại.

Ở góc độ DN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nhờ có UKVFTA năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào UK đã đạt trên 265 triệu USD và tăng trên 18% so với năm trước đó.

“Một điều rất quan trọng, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang UK có đến trên 92% là đồ mộc, đồ nội thất. Đây là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian, cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ. Các DN Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội do UKVFTA mang lại”, ông Hoài đánh giá.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ diễn biến về xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với UK có thể thấy hai bên đã và đang khai thác rất tốt lợi thế của nhau.

“Đặc biệt, với sự hiện diện của nhà đầu tư Anh nhiều hơn tại Việt Nam, thị trường Anh cũng sẽ nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của DN và sản phẩm Việt Nam…đây chính là cơ hội để DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới”, ông Dương nêu.

Tận dụng UKVFTA có mặt hàng xuất khẩu vào UK tăng trưởng 100%
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, Việt Nam với UK đã và đang khai thác rất tốt lợi thế của nhau thông qua Hiệp định UKVFTA.

Dù vậy ông Dương cũng lưu ý, các DN xuất khẩu vào UK không thể trông chờ quá nhiều vào bảo hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong xử lý tranh chấp thương mại, cần có biện pháp theo đúng cách của thị trường qua những kênh thông tin hiện đại.

Cùng với đó, các Bộ, ngành cũng cần cân nhắc trao đổi với phía Anh để nghiên cứu một cơ chế tạo thuận lợi cho việc xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến. Xu hướng hiện nay vẫn ưu tiên giao dịch qua các nền tảng số, vì thế nếu xử lý tranh chấp vẫn phải gặp nhau trực tiếp chắc sẽ rất khó và tốn kém, đặc biệt là đồi với các DN nhỏ và vừa.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả từ UKVFTA trong thời gian tới, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, điều quan trọng là cần giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin sâu về chuyên ngành. Bộ Công Thương sẽ tìm kiếm các DN đã thành công sang UK, thành công sang các thị trường FTA mới và mời họ chia sẻ cách làm, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm, từ đó tạo động lực dẫn dắt các DN khác.

Đặc biệt, mỗi tỉnh, thành phố nên xác định 1 - 2 sản phẩm trọng tâm và cùng đồng hành với DN, kết nối đầu ra cho DN. Cách làm cụ thể như vậy sẽ mang tới những cơ hội cụ thể để DN tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi thế từ UKVFTA cũng như các FTA khác mang lại./.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UK trong năm 2021 đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Hiện tại giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường UK trong năm 2021.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5/2022, UK có tổng cộng 462 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/tan-dung-ukvfta-co-mat-hang-xuat-khau-vao-uk-tang-truong-100-post983453.vov