Dấu ấn du lịch Việt Nam 2022 Du lịch Việt Nam giành giải thưởng ở 16 hạng mục hàng đầu thế giới Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá du lịch Việt Nam

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị quốc tế “Hợp tác du lịch Việt Nam - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông: Tiềm năng và Triển vọng”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định, các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông là thị trường tiềm năng có nhu cầu hàng đầu về du lịch. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong việc phát triển các loại hình du lịch đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc khách du lịch. Sở hữu cảnh quan đa dạng, phong phú, với bờ biển trải dài, thiên nhiên hùng vỹ, cùng hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng phát triển, chất lượng dịch vụ ngày một được nâng cao, Việt Nam cũng trở thành điểm đến được yêu thích của các du khách trên thế giới.

Tăng cường hợp tác du lịch Việt Nam và khu vực Trung Đông
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trung tâm thông tin du lịch)

Việt Nam và các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông có tiềm năng lớn trong việc hợp tác du lịch. Tuy nhiên, kết quả hợp tác du lịch giữa hai bên thời gian qua còn khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng của mỗi bên.

Vì vậy, hội nghị được tổ chức với mục đích tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông tại Việt Nam; kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành hai bên và với các địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các đối tác ở Đông Nam Á, Nam Á trong việc xây dựng chương trình du lịch dành cho du khách Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, năm 2022, Việt Nam đã đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 (60 triệu lượt), tổng thu khoảng 21 tỷ đô-la Mỹ. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch.

Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh được xác định là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến Việt Nam còn rất ít. Năm 2019 là khoảng 6 nghìn lượt người. Con số này là rất nhỏ so với số khách từ Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông đi du lịch nước ngoài.

Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày một phổ biến, hấp dẫn du khách Hồi giáo từ Trung Đông, Nam Á với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch đám cưới, du lịch văn hóa và du lịch mua sắm. Chất lượng dịch vụ, cung cấp thực phẩm và sản phẩm Halal tại Việt Nam ngày một cải thiện, phù hợp thói quen, nhu cầu, thị hiếu của du khách Hồi giáo, trong đó có thị trường Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông.

Việc tổ chức Hội nghị tăng cường hợp tác du lịch Việt Nam – Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông thể hiện sự quan tâm cao của ngành du lịch Việt Nam đến các thị trường khu vực Trung Đông. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt hy vọng Hội nghị sẽ trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và các hãng hàng không của hai bên liên kết hợp tác trao đổi khách.

Sau Hội nghị lần này, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và các hãng hàng không sẽ tìm và gặp gỡ được nhiều đối tác mới, tìm được nhiều hướng kinh doanh mới, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham dự Hội nghị.

Để có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hợp tác phát triển du lịch của hai bên trong tương lai, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề xuất một số nội dung.

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện hơn nữa thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch từ thị trường Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông nói riêng và Trung Đông nói chung, đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác công – tư hướng tới khai thác, phát triển thị trường tiềm năng Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông tiếp tục hỗ trợ để có thêm thông tin về thị trường khách, các nhu cầu, xu hướng, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam kết nối với thị trường, với các doanh nghiệp đối tác ở các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa cũng như kết nối hàng không thuận lợi giữa Việt Nam và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông.

Cơ quan ngoại giao sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy để Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam, các điểm đến hướng tới thị trường khách Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông.

Song song với đó là có nhiều hơn các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam, cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động marketing điện tử trong phát triển thị trường, xúc tiến thông qua các kênh quảng bá trực tuyến, mạng xã hội…; có kế hoạch đầu tư nghiên cứu thị hiếu, tâm lý khách Việt Nam và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh Trung Đông để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.