Tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững vàng hội nhập
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Cần có công cụ quản lý rủi ro trái phiếu doanh nghiệp |
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngoại giao kinh tế giúp tăng trưởng GDP có thể tạo nên "kỳ tích"
Chia sẻ ý kiến về những thành quả công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ như trên tại Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước diễn ra chiều 19/9 tại Hà Nội.
Chủ tịch VCCI chia sẻ, trong bối cảnh hết sức khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hơn khi Chính phủ có các chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt là tăng trưởng GDP. "Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP nước ta tăng 6,42% so với cùng kỳ, nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, dự báo năm 2022 GDP có thể có thể đạt 7-7,5%. Đây là một "kỳ tích" trong bối cảnh hiện nay", ông Phạm Tấn Công nêu nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 8 tháng, xuất khẩu của ngành đã tăng trưởng 38% và năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể lần đầu tiên vượt con số phấn đấu nhiều năm là 10 tỷ USD và có thể đạt 11 tỷ USD. Ông dẫn lời Đại sứ Romania cho biết sắp tới, sẽ có một số doanh nghiệp của nước này sang Việt Nam để thúc đẩy giao thương, trực tiếp đặt hàng và điều này cho thấy nỗ lực và kết quả từ hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam từ nước ngoài.
Không chỉ giúp GDP tạo nên "kỳ tích", công tác ngoại giao kinh tế còn tạo sự bứt phá cho lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, hiện nay Viettel đã trở thành Tập đoàn hàng đầu về viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, nhìn lại chặng đường 30 năm làm viễn thông, hành trình 15 năm đầu tư ra nước ngoài và hơn 10 năm nghiên cứu sản xuất, Viettel luôn vinh dự có được sự giúp đỡ, ủng hộ của Đảng và Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ ngành trong nước, các Đại sứ quán, văn phòng tuỳ viên quốc phòng và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
"Những sự giúp đỡ quý báu đó là một yếu tố quan trọng trong những thành công của chúng tôi. Chúng tôi rất trân trọng và biết ơn. Viettel luôn ý thức trong đầu tư ra nước ngoài và hợp tác quốc tế, sự tin cậy về chính trị, mối quan hệ tốt đẹp về ngoại giao sẽ tạo thuận lợi cho Viettel, đồng thời Tập đoàn cũng có trách nhiệm làm khăng khít hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia đối tác, nâng cao hình ảnh của Việt Nam, vun đắp tình cảm dành cho đất nước con người Việt Nam thông qua cách làm và thành công của Viettel", ông Tào Đức Thắng bày tỏ.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng: Viettel luôn ý thức trong đầu tư ra nước ngoài và hợp tác quốc tế, sự tin cậy về chính trị, mối quan hệ tốt đẹp về ngoại giao sẽ tạo thuận lợi cho Viettel - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kiến nghị xúc tiến ký kết với các thị trường tiềm năng
Nhằm khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, cũng như tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu, ông Tào Đức Thắng kiến nghị xem xét thúc đẩy đàm phán, xúc tiến ký kết các hiệp định, khuyến khích và bảo hộ đầu tư với một số nước hiện đang thị trường tiềm năng của Viettel để có sự hỗ trợ về mặt chính trị, ngoại giao, tạo khuôn khổ pháp lý đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn tại thị trường và các vấn đề cần giải quyết trên bình diện quốc gia.
Thời gian qua, Viettel đã nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm về công nghiệp công nghệ cao có chất lượng quốc tế; các giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số của Viettel có chất lượng đang được đẩy mạnh kinh doanh, từng bước xuất khẩu, ông Thắng mong muốn được các Đại sứ giúp quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu các nhà phân phối tiềm năng; các công ty, các quỹ đầu tư có thể hợp tác, cùng đầu tư vào các dự án viễn thông, hạ tầng trạm viễn thông hoặc các lĩnh vực khác (như fintech) của Viettel tại các thị trường; đối tác hợp tác kinh doanh quốc tế các sản phẩm và giải pháp của Viettel...
Về lĩnh vực du lịch, ông Phạm Huy Bình, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) kiến nghị, cần có cơ chế phối hợp và có kế hoạch giải pháp thật sự cụ thể giữa ngành ngoại giao và ngành du lịch để phối hợp, hỗ trợ và xúc tiến du lịch Việt Nam, kết nối giữa các doanh nghiệp… Ông Bình mong muốn tiếp tục được các cơ quan ngoại giao, các sở ngoại giao, đại sứ quán ở nước ngoài quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam, tiếp tục là cầu nối giữa thị trường du lịch địa phương với quốc tế để tiếp tục hợp tác phát triển.
Ông Đỗ Xuân Hiền, đại diện Hiệp hội Cà phê–Cacao Việt Nam khẳng định, ngành ngoại giao, công thương đã có những hỗ trợ hết sức thiết thực và hiệu quả, đồng thời đề nghị các bộ, ngành phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục triển khai đề án phát triển cà phê chất lượng cao của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại diện ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị, các cơ quan đại diện theo dõi sát quá trình các quốc gia xây dựng các quy định mới liên quan tới các rào cản phi thuế quan với hàng hóa nhập khẩu, kịp thời thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp để chuẩn bị; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ các nước phát triển để chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh, tuần hoàn…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cần tiếp tục củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, cũng như để ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt xu hướng, chính sách và những thay đổi chính sách của nước sở tại một cách kịp thời, chính xác. Từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trong nước tham khảo kinh nghiệm, phản ứng chính sách, có đối sách hợp lý… nhằm bảo vệ, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước. Đồng thời, tiếp tục củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần làm tốt vai trò cầu nối giữa thị trường và nhà sản xuất, đánh giá chính xác nhu cầu thị trường, cung cấp thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp, nhà sản xuất về quy cách, chủng loại, tập quán; khuyến khích kịp thời các nhà sản xuất tập trung khai thác thị trường để đạt kết quả tốt nhất.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2021 và trong 8 tháng đầu 2022, Việt Nam là một trong số ít nước được ghi nhận có nền thương mại quốc tế lớn nhất thế giới (xuất, nhập khẩu năm 2021 đạt 670 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 800 tỷ USD). Tuy nhiên, 74-75% giá trị xuất khẩu thuộc về FDI. Vì thế, trong tương lai cần các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài góp phần kết nối, lan tỏa những giá trị công nghệ cao, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nước ngoài để tiếp cận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, từng bước nâng cao nội lực kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do đó, rất cần các cơ quan ở nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ, bảo hộ, kịp thời xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Thùy Chi/chinhphu.vn
Bình luận