Thị trường TPCP tháng 8/2022: Huy động tăng 180% so với tháng 7 Khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “Chặn” dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản có thể đóng băng

Tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - niềm tin và trách nhiệm”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro cần có các công cụ quản lý rủi ro khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tuy phát triển chậm hơn so với các kênh vốn khác, nhưng trong những năm gần đây tăng trưởng đáng mừng.

Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn cả ở người phát hành và người mua. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho rằng "cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại cần phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau". Bằng chứng là các vụ việc xảy ra gần đây tại thị trường trái phiếu.

Cần có công cụ quản lý rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Ông Tú Anh khẳng định, điều quan trọng khi tham gia thị trường trái phiếu là phải có niềm tin. Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là xây dựng luật chặt chẽ để lọc bớt rủi ro. Cách thứ 2 là xây dựng những công cụ để quản lý, xử lý rủi ro.

Ông Tú Anh cho rằng công cụ phát triển niềm tin tốt nhất là xây dựng bảo hiểm rủi ro. Theo đó, xây dựng những định chế đảm bảo, rủi ro ít thì trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… Cùng với đó, cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật - xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư. Hiện các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến rủi ro và tham gia thị trường trái phiếu khá hững hờ. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam chặt chẽ hơn thì thị trường sẽ bớt rủi ro hơn.

Tuy nhiên ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT AzFin cho rằng, bên cạnh pháp lý, để cấu thành nên thị trường tài chính không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia. "Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu, trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành như thế nào. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta còn non trẻ, chưa thực sự phát triển, theo đó, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một "bữa tiệc" để lợi dụng vốn nhà đầu tư”, ông Đặng Trần Phục đặt dấu hỏi.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, đối với doanh nghiệp phát hành cần phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính. Để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. Nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản.

Thực tế có nhiều "ông chủ" doanh nghiệp áp đặt và tự quyết định việc phát hành trái phiếu, thậm chí giám sát quản trị dòng tiền, xử lý các vấn đề tài chính. Như vậy rất thiếu chuyên nghiệp và không đảm bảo dòng vốn được xử lý hiệu quả, gây ra những rủi ro nhất định cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu của các doanh nghiệp này.

Trước thực trạng đó, ông Phục cho rằng cần thiết lập những khối chuyên trách trong xử lý các vấn đề tài chính của doanh nghiệp, gồm cả các kế hoạch phát hành trái phiếu và sử dụng vốn, tư vấn và thậm chí giám sát ở lĩnh vực này đối với lãnh đạo công ty. Như vậy, để tăng tính chuyên nghiệp, tăng cường các cơ chế an toàn và minh bạch thay vì "ông chủ quyết tất".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ với nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo,…

Bảo Thoa