Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế số [Infographic]: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023 Quy hoạch không gian biển Việt Nam vì đại dương bền vững

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế đã được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Trước hết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao đã tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, tạo xung lực mới để các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả hơn công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Chủ động, sáng tạo triển khai công tác ngoại giao kinh tế
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: BNG

Thứ hai, ngành Ngoại giao cùng với các ngành tiếp tục đóng góp vào nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp.

Thứ ba, ngành Ngoại giao đã có nhiều đóng góp nhằm đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực mới cho phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, đầu tư những ngành công nghệ cao…; hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để nước ta kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.

Thứ tư, triển khai chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành Ngoại giao và hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, tìm kiếm mọi cơ hội, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài, nhất là mở rộng các thị trường tiềm năng, khai thông các thị trường mới. Trong năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 50 đoàn làm việc với 25 địa phương, tổ chức khoảng 70 hoạt động kết nối giữa các địa phương với đối tác, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát huy sự chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều báo cáo có chất lượng về tình hình kinh tế thế giới và các vấn đề đang nổi lên có tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách phù hợp của Việt Nam.

Có thể khẳng định, tiếp nối tinh thần quyết liệt của “chiến dịch” ngoại giao vắc xin trong năm 2021, đến năm 2022, trên cơ sở thích ứng linh hoạt, nhạy bén, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành triển khai công tác ngoại giao kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, với trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực sự phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Chủ động, sáng tạo triển khai công tác ngoại giao kinh tế
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì cuộc giao ban tháng 12/2022 giữa Ban chỉ đạo ngoại giao kinh tế với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh việc phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, việc đẩy mạnh xu thế hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số cũng chính là yếu tố để Việt Nam thu hút tốt hơn sự quan tâm của các đối tác, từ đó tăng cường sự hợp tác giữa hai bên. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 năm 2021, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính chúng ta, song mặt khác cũng mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế vì đây đang là những vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương, các đối tác phát triển đều ưu tiên cao và dành nhiều nguồn lực thúc đẩy nỗ lực của cộng đồng quốc tế thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nắm bắt xu thế đó, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đã tập trung thúc đẩy hợp tác với các đối tác cả song phương và đa phương nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ thực hiện các chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Nội hàm về hợp tác kinh tế số cũng được đề cao trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, tập trung vào thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị… Nhiều đối tác quốc tế như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về kỹ năng số, thành lập trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 và những sáng kiến khác.

Chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế số cũng làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh bền vững. Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego khẳng định một trong những lý do chọn Việt Nam để đầu tư là việc Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt là sau khi được trực tiếp gặp Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.

"Có thể khẳng định, kinh tế xanh, kinh tế số là những lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để Việt Nam hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực này, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nước, trên cơ sở bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết.