Thách thức trong chính sách và quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Công ty thương mại điện tử nào phổ biến nhất trên mạng xã hội? Để tránh mất tiền mua... bực mình Buôn bán hàng giả trên mạng, phạt đến 20 tỷ đồng vẫn chưa đủ sức răn đe |
Tại Hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, kết quả sau hơn 4 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 28 nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.
Về quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số, số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu là 918 tỉ đồng. Số thu này tăng nhanh qua các năm, cụ thể năm 2019 chỉ khoảng 64 tỉ đồng, qua năm 2020 lên 237 tỉ đồng, 2021 lên 261 tỉ đồng và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 356 tỉ đồng.
Google được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn 2.040 tỉ đồng. |
Thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài trở nên phổ biến.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỉ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỉ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.
Với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý thuế như: khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp; xác định căn cứ tính thuế; phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế; kiểm soát dòng tiền...
Theo ông Nguyễn Việt Anh - Chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng thương mại điện tử rất lớn trên thế giới và Việt Nam.
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực này, trong chính sách thuế giá trị gia tăng, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong khai, nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Đồng thời, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế giá trị gia tăng với nhà cung cấp nước ngoài; bãi bỏ việc miễn thuế với hàng hóa có giá trị thấp.
Với thuế trực thu, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến quốc tế xung quanh những thảo luận và thỏa thuận về thuế trực thu với doanh nghiệp kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số; rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu...
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định, những khó khăn, thách thức trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ các đặc điểm của mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại.
Kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch thương mại điện tử.
Sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch thương mại điện tử. |
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế;
Phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; Ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt.
Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, để tăng thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền, Tổng cục Thuế sẽ tích cực tham gia đàm phán xây dựng Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số; hoàn thiện pháp luật để tăng cường trách nhiệm đối với sở hữu sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong việc kê khai, nộp thuế thay và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử… Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với giao dịch thương mại điện tử (các giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán dịch vụ số xuyên biên giới). Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này cần củng cố cơ sở pháp lý như sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với định hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, chống thất thu, mở rộng cơ sở thu thuế, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế như Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh,… một mặt góp phần phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới, mặt khác thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế. Ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. |
Bảo Thoa
Bình luận