Thách thức trong quản lý tài sản số
Thành công từ sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh Chuyện 8X “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp sạch |
Đối với công nghệ mới như Blockchain, các chuyên gia đánh giá đây là một lĩnh vực rất phức tạp với nhiều khái niệm cần được cắt nghĩa và nghiên cứu kĩ lưỡng để định nghĩa chính xác trong khuôn khổ pháp luật.
Tuy vậy, cũng cần đẩy nhanh quá trình trên để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Thực tế, tiến trình phát triển công nghệ luôn đi nhanh hơn so với khung pháp lý của cơ quan nhà nước. Việc luật pháp “chậm chân” hơn so với tốc độ phát triển của công nghệ có thể nhìn thấy ngay trong lĩnh vực quản lý tài sản số.
Tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn “nghiên cứu” và chưa có chế tài, quy định rõ ràng. Do đó, trong phiên thảo luận “Quản lý tài sản số: Thách thức và cơ hội”, các chuyên gia đã bàn luận sôi nổi về chủ đề này.
Các chuyên gia thảo luận về chủ đề “Thách thức và cơ hội trong lĩnh vực quản lý tài sản số tại Việt Nam”. |
Theo Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được định nghĩa là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Hiện nay, các chuyên gia tạm thời xếp tài sản số vào hạng mục quyền tài sản vì tài sản số có thể lưu trữ và chuyển giao.
Luật sư điều hành IMG Group Hiền Nguyễn chia sẻ rằng, hiện nay Campuchia đang là đất nước châu Á đi đầu về việc ứng dụng ngân hàng số. Bên cạnh đó, có không ít quốc gia cũng đã áp dụng khung pháp lý và tiến hành đánh thuế với các tài sản số của công dân và doanh nghiệp.
Hiện khung pháp lý về tiền số, vật phẩm số ở Việt Nam vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg về Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử từ ngày 21/8/2017. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, Việt Nam chưa có được một khung pháp lý cho tài sản vì thiếu định nghĩa rõ ràng.
“Hiện nay, các nhà làm chính sách và luật sư đang bắt tay tham gia xây dựng định nghĩa về tài sản số giúp đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý tại Việt Nam”, bà Hiền nói.
Theo ông Victor Trần, Giám đốc công ty VLEC, Việt Nam vẫn thiếu các định nghĩa cơ bản về tài sản số. Môi trường pháp lý Việt Nam không ngặt nghèo nhưng cũng không cởi mở, cái thiếu là văn bản quy phạm pháp luật và khung pháp lý để các cơ quan công an, tòa án có thể tham gia bảo vệ quyền lợi của người có sở hữu tài sản số.
Giám đốc Tài chính TomoChain Lab Hồ Thu Lê chia sẻ: “Cái khó hiện nay là làm sao để các cơ quan hiểu được giá trị của Blockchain, vì vậy cần có sự liên kết, thống nhất giữa các ban ngành, tổ chức”.
Cũng theo bà Lê, bà mong muốn có một khung pháp lý để các doanh nghiệp phía sau được thành lập và đóng thuế ngay tại Việt Nam.
Đại diện Binance, ông Kevin cho hay, hiện nay người dùng chần chừ sử dụng tài sản số bởi nỗi sợ bị xâm phạm, đánh cắp tài sản. Bản thân Blockchain là một sổ cái lưu giữ mang tính công khai, điều còn thiếu là một khung pháp lý giúp định danh.
Vì lịch sử giao dịch không thể sửa, nên dù có bị hacker tấn công thì tài sản đó cũng sẽ bị khóa để bảo vệ quyền lợi người dùng. Khung pháp lý rõ ràng có thể góp phần bảo vệ tài sản số khi xảy ra rủi ro, các cơ quan pháp luật đứng ra bảo vệ quyền lợi người dùng.
Đại diện Binance cũng nhấn mạnh rằng, Blockchain đang bị giới hạn là tiền số, nhưng thực chất công nghệ còn áp dụng trong nhiều lĩnh vực, đóng góp chuyển đổi số quốc gia như thay thế dịch vụ công chứng, xác minh văn bản thật. Nếu có một khung pháp lý rõ ràng có thể giúp Việt Nam đón đầu làn sóng công nghệ để đuổi kịp với các quốc gia trong khu vực.
Bình luận