Thăng trầm nghề xích lô du lịch giữa lòng phố biển Nha Trang
Du xuân tại ngôi chùa tuyệt đẹp nơi phố biển Những “bóng hồng” miệt mài giữ nghề truyền thống giữa lòng phố biển Những nữ "phu cá" ở cảng Hòn Rớ |
Miệt mài giữ nghề xưa
Chiều tháng 2, thời tiết tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ấm dần lên, đi dạo trên những con phố dọc biển, không khó để bắt gặp những chiếc xích lô đang chờ chở khách.
Trong lúc vắng khách, ông Nguyễn Văn Đức (60 tuổi, quê Ninh Hòa, Khánh Hòa) vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về chuyện nghề, chuyện đời của mình. Ông nói rằng, cuộc đời ông gắn bó nghề đã ngót nghét 30 năm.
Tài sản lớn nhất của ông Nguyễn Văn Đức là chiếc xe xích lô cũ kỹ. (Ảnh: Hương Thảo) |
Hồi tưởng lại một thời đã xa, ông Đức bảo, mấy chục năm về trước, khi nghề đạp xích lô du lịch hưng thịnh, mỗi ngày ông đều liên tục có nhiều chuyến chở khách đi tham quan khắp nội thành. Nhờ vào đó, ông có tiền trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình.
Vài năm trở lại đây, khi nhiều đồng nghiệp của ông có tiền “lên đời” gắn động cơ điện, được trang trí đèn nhấp nháy nhiều màu sắc. Chỉ cần một cú vít ga, chiếc xích lô điện đã chạy nhanh trên phố mà người lái không mất nhiều công sức.
Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công nghệ như Grab, taxi…xuất hiện càng nhiều, khách chỉ cần đặt trên ứng dụng điện thoại sẽ có xe tới tận nơi chở đi, khiến chuyện mưu sinh của những người đạp xích lô như ông bị bó hẹp và càng khó khăn.
Hơn thế nữa, sự “đóng băng” của ngành du lịch khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, thu nhập vốn ít ỏi của ông thêm thắt chặt.
Ngày nào may mắn lắm, ông kiếm được khoảng 50.000 - 70.000 đồng, ngày ít khách khoảng 30.000 - 40.000 đồng, có ngày thì chẳng kiếm được thu nhập, đành về nhà tay không.
Những người đạp xích lô vẫn miệt mài rong ruổi trên khắp nẻo đường. (Ảnh: Hương Thảo) |
Trầm ngâm bên chiếc xích lô đã phai màu theo năm tháng, ông ngậm ngùi: “Xích lô du lịch mà đạp truyền thống giờ ế lắm, xe tôi lại không có động cơ điện, nhiều du khách họ không thích đi. Bây giờ, nếu phải nâng cấp thì chi phí khoảng 10 triệu, đó là số tiền quá lớn. Thôi thì hằng ngày cứ chăm chỉ ra đây đón khách, được chuyến nào hay chuyến đó. Vì đối với tôi đây không chỉ là nghề để mưu sinh mà còn là cái tình nghĩa với nghề đã theo mình gần cả cuộc đời”.
Đang hướng ánh mắt mòn mỏi chờ khách, ông Phạm Văn Châu (58 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ, “con ngựa sắt” của ông Châu cũng không gắn động cơ điện. Thế nhưng tiền lo cho các con của ông ăn học đều bằng những giọt mồ hôi và đôi chân bền bỉ của người cha. Và ông Châu chưa bao giờ nghỉ mình sẽ rời bỏ công việc này.
“Bây giờ một ngày mà có một chuyến được chở khách du lịch là mừng lắm rồi. Nếu ngày nào không có khách, tôi tranh thủ chở một số khách lẻ đi chợ, các chuyến xe này tôi chỉ lấy từ 10.000 - 15.000 đồng, cũng có chút tiền mua bó rau, miếng thịt. Số người làm nghề đạp xích lô du lịch truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tôi không bỏ nghề, vì không muốn nhìn chiếc xe bị xếp xó, dù sao loại hình này cũng là nét duyên dáng của thành phố biển”, ông Châu tâm sự.
Xích lô điện được nhiều du khách lựa chọn. (Ảnh: Hương Thảo) |
Níu giữ nét đẹp văn hóa du lịch
Bao nhiêu năm đã trải qua cùng với những thăng trầm, xích lô đã trờ thành nét đẹp văn hóa du lịch, một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Nhiều khách nước ngoài khi đến du lịch tại thành phố Nha Trang đều mong muốn được một lần trải nghiệm cảm giác thú vị ngồi trên chiếc xích lô do bác tài đạp chầm chậm trên đường phố để ngắm hết vẻ đẹp xung quanh.
Chị Kyung-soon, du khách Hàn Quốc cho biết: “Trong vài ngày du lịch tại đây, tôi đã trải nghiệm đi xích lô từ loại có gắn động cơ điện tới xích lô được chạy bằng sức người, mỗi loại hình đều mang lại thú vui riêng, giá thành lại phù hợp, tiện lợi, tôi có thể dừng lại bất cứ đâu nếu muốn. Đi dạo bằng xích lô là nét đặc trưng mà không phải đất nước nào cũng có. Điều này làm cho tôi lại càng yêu quý thành phố Nha Trang hơn rất nhiều”.
Từng vòng bánh xe của những chiếc xích lô vẫn tiếp tục quay, chầm chập hòa vào dòng người. Đối với người lái xích lô, đó là vòng quay của miếng cơm, manh áo, chở theo cả niềm hi vọng về tương lai tươi đẹp.
Bình luận