Phấn đấu đưa Hà Nội đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao Tăng giá trị sản xuất từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Dám nghĩ, dám làm, không ngại học hỏi

Chúng tôi tìm về thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa trong chiều tháng 7. Cách nhà văn hóa thôn Vĩnh Thượng vài trăm mét, mô hình nhà kính của anh Nghĩa nổi bật giữa những cánh đồng trải dài vô tận. Trong khi ngoài trời thời tiết oi bức, cây trồng khó phát triển thì bên trong nhà kính của anh Nghĩa vẫn có các loại rau cải xanh mơn mởn đang cho thu hoạch. Vừa thu hoạch rau cải, anh Nghĩa vừa chia sẻ với chúng tôi về quá trình làm mô hình của mình.

Theo anh Nghĩa, trước đây, anh cũng như bao người nông dân khác, gia đình anh chủ yếu sản xuất, canh tác nông nghiệp ngoài trời. Ở địa phương khi đó trồng chủ yếu các loại rau màu, lúa… song, mỗi khi thời tiết không thuận lợi (mưa bão hoặc nắng nóng kéo dài), rau màu sẽ bị ảnh hưởng, năng suất không đạt. Bên cạnh đó, các loại cây trồng ở đồng ruộng không được che chắn nên dễ bị các loại sâu bệnh hại. Xuất phát từ thực tế đó, anh Nghĩa đã có ý tưởng làm nông nghiệp trong nhà kính.

Thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm" anh Nguyễn Xuân Nghĩa đã thành công với mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà kính.

Sau khi đề đạt nguyện vọng của mình về mô hình trồng rau trong nhà kính với chính quyền huyện Ứng Hòa, anh Nghĩa đã được huyện ủng hộ, tin tưởng giao thí điểm làm mô hình trồng rau trong nhà kính. Mô hình 5000m2 được đầu tư ban đầu khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong đó, anh Nghĩa được huyện hỗ trợ 70%; vốn của gia đình 30%. Trong quá trình làm mô hình, anh Nghĩa cũng mạnh dạn đầu tư thêm một số hệ thống tưới nước cho mô hình với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Đặc biệt, để có được thành công như hiện tại, anh Nghĩa luôn nhận được sự hướng dẫn sát sao của Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa trong việc xây dựng, triển khai mô hình.

Sau khi nhà kính được hoàn thiện, anh Nghĩa bắt tay ngay vào sản xuất. Ban đầu anh tiến hành trồng một số loại rau, tuy nhiên, việc trồng rau tương đối vất vả, mất nhiều nhân công nên anh Nghĩa quyết định chuyển sang trồng dưa lưới. Mới đầu, anh thử nghiệm trồng dưa lưới trên 1.000m2. Cây dưa vụ đầu cho thu hoạch với năng suất cao; trái dưa ngon và rất ngọt. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm trồng dưa nên khi bước vào vụ sau, dưa lưới dù vẫn đạt cân nặng từ 2 tới 2,5kg nhưng không còn ngọt như vụ đầu.

Thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình trồng dưa lưới mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nghĩa.

Thất bại trong vụ dưa thứ hai như thôi thúc anh Nghĩa phải học hỏi, tìm ra các giải pháp để trồng thành công loại cây “khó tính” này. Sau một thời gian học hỏi, rút kinh nghiệm từ mọi người xung quanh, anh Nghĩa đã tìm ra giải pháp và trồng thành công giống dưa lưới, dưa hoàng hậu và dưa lưới TL3. “Cây dưa đòi hỏi các chất dinh dưỡng khác nhau, do đó, trong quá trình trồng, mình phải bổ sung đầy đủ các chất thì dưa mới phát triển và tạo được độ ngọt.”- anh Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo anh Nghĩa, việc trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tính trung bình hàng năm, với mỗi 1 sào dưa cho thu hoạch khoảng 30 triệu đồng. Nếu so với việc trồng màu của người dân thì cho thu hoạch gấp 3 lần; gấp chục lần so với trồng lúa.

Mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng

Có thể khẳng định, mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà kính đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Nghĩa. Ví dụ như thời điểm hiện tại, anh Nghĩa đang trồng rau để cải tạo đất thì việc trồng rau cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Nghĩa, nếu kết hợp trồng rau và dưa chuột trái vụ sẽ mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

“Tôi đã đi nhiều nơi và học hỏi nhiều mô hình nhà lưới, nhà kính của các địa phương. Song tôi nhận thấy rằng mô hình nhà kính của gia đình đang là mô hình tối ưu hiệu quả. Mô hình được dựng cao, thoáng, chắc chắn nên đảm bảo trong mùa mưa bão; cùng đó, nhiệt độ trong nhà kính luôn duy trì ổn định, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông nên có thể trồng được những cây trồng trái vụ cho thu nhập cao.”- anh Nghĩa nói.

Thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Sau mỗi vụ trồng dưa lưới, anh Nghĩa sẽ trồng rau để cải tạo đất.

Với anh Nghĩa, việc tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn chính là việc làm ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình trồng, anh Nghĩa luôn tuân thủ quy trình sản xuất VietGap, do đó, sản phẩm rau của anh luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Theo đó, các sản phẩm rau của gia đình anh Nghĩa được bán chủ yếu cho các trường học, người dân và các lái buôn; cùng đó, qua các kênh trung gian, sản phẩm rau cải của gia đình anh cũng đã tiếp cận được với siêu thị và thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ về những định hướng về phát triển mô hình trong thời gian tới, anh Nghĩa cho biết, anh sẽ tiếp phát huy hiệu quả của việc trồng rau, dưa lưới trong nhà kính. Cùng đó, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, dưa lưới, từ đó có lượng sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường. Khẳng định những hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình là rất tích cực, anh Nghĩa mong muốn thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn đầu tư mô hình nhà kính để mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình.

Với những thành tích trong việc tham gia các phong trào thi đua tại địa phương, anh Nguyễn Xuân Nghĩa đã vinh dự nhận nhiều khen thưởng của huyện Ứng Hòa và thành phố Hà Nội. Cụ thể, anh Nghĩa đã được Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2019; danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố giai đoạn 2015 - 2019; các năm: 2020, 2021 và 2022.