Kinh tế TP.HCM tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022 Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều biến động Mối quan tâm và "khẩu vị" của nhà đầu tư với các kênh đầu tư mới

Tại hội thảo “Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP”, ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia Ban Pháp chế VCCI cho biết, nhu cầu về đầu tư hạ tầng của Việt Nam đang rất lớn. Theo quy hoạch, đến năm 2050 Việt Nam phải có 9.000km đường cao tốc và gần 30.000km đường quốc lộ. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu này cần nguồn vốn rất lớn, dự kiến từ 2021-2025 cần tới 78.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2026-2030 đầu tư khoảng 102.000 tỷ đồng/năm.

Ngân sách dự kiến đáp ứng 2/3, còn lại huy động vốn tư nhân. Song, trong giai đoạn 2021-2022 vốn tư nhân vào hạ tầng gần như không có. Đây là thách thức rất lớn trong việc thu hút 300.000 tỷ đồng vốn tư nhân trong 10 năm để đầu tư các dự án này.

Với những dự án PPP đang triển khai, đánh giá cho thấy, tốc độ và chất lượng tư nhân cao hơn Nhà nước. Nhưng doanh thu phía tư nhân lại đang gặp khó khăn. 49 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến, 4 dự án chưa được thu phí. Có những dự án doanh thu chỉ đạt 13-15% so với dự kiến, mức doanh thu trung bình khoảng 50-80% so với dự kiến.

Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP
Theo quy hoạch, đến năm 2050 Việt Nam phải có 9.000km đường cao tốc và gần 30.000km đường quốc lộ. (Ảnh minh họa: CT)

Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Đăng Huệ - Cố vấn pháp lý Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chỉ ra 4 vấn đề ảnh hưởng đến “sức sống” của Luật PPP trong thời gian qua.

Thứ nhất, có sự bất tương xứng giữa quy mô to lớn của các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đầu tư PPP với sự nghèo nàn, đơn giản của pháp luật về lĩnh vực đầu tư này. Qua nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành về PPP cho thấy, hệ thống này đang có nhiều hạn chế rất cơ bản, như chỉ mới có một Luật PPP, hai nghị định hướng dẫn thi hành và một số nghị định, thông tư có liên quan. Các văn bản này lại có nội dung hết sức sơ sài, ngắn gọn, do đó chưa đủ để điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đầu tư PPP.

Còn rất nhiều vấn đề chưa được pháp luật quy định, hoặc chỉ được quy định một cách nửa vời, điều đó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các bên trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng dự án PPP. Đồng thời, ngoài sự không đầy đủ, pháp luật PPP hiện hành còn có nhiều hạn chế khác như tính mâu thuẫn, không đồng bộ, tính bất hợp lý.

Thứ hai, chưa khẳng định rõ được một vấn đề mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án rất quan tâm hiện nay, đó là: công trình dự án do họ làm ra có thuộc sở hữu của họ hay không và nếu không thì họ có những quyền gì đối với tài sản này. Đây là vấn đề cốt yếu mà Luật PPP phải giải quyết, không thể bỏ quên vì lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án được bảo vệ đến đâu, như thế nào là phụ thuộc vào việc xác định được bản chất và nội dung của quyền mà luật quy định cho các chủ thể này.

Thứ ba, chưa làm rõ cơ chế bảo vệ đặc thù của Nhà nước đối với quyền kinh doanh công trình của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Theo ông Huệ, một trong những quyền tài sản mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có được là quyền kinh doanh công trình dự án. Không thực hiện được quyền này thì coi như nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không đạt được mục tiêu của mình. Mặc dù, đã được pháp luật quy định (tuy không trực tiếp mà là gián tiếp), nhưng trên thực tế quyền này đang bị xâm phạm một cách thường xuyên.

Thứ tư, chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện các hạng mục công trình phụ trợ dọc theo tuyến cao tốc như: trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, khu khách sạn, biển quảng cáo. Hiện nay, đang có tình trạng chính quyền một số địa phương nơi có dự án cao tốc đi qua đã tùy tiện quyết định ai là người có quyền xây dựng, khai thác công dụng các công trình phụ trợ này.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật TNHH HPVN cho rằng, để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo phương án kiểm soát hiệu quả, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có cần được chú trọng. Cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tăng cường thêm các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường hợp tác công tư PPP, chẳng hạn bù đắp thiếu hụt tài chính hay xây dựng dòng ngân sách riêng dành cho các dự án PPP.

Hơn nữa, mối quan hệ công tư giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cần phải có sự thay đổi để thích ứng với tình hình thời cuộc. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định rõ ràng hơn các quy định về lập, công bố danh mục dự án thu hút đầu tư thí điểm theo các hình thức PPP với sự phù hợp và hiệu quả.

Việc công khai, minh bạch thông tin ở tất cả các bước cũng cần được đẩy mạnh, như chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng được công khai, minh bạch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia,… cần được thực hiện. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP; có chế tài xử phạt, quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thay vì chỉ định nhà đầu tư theo cơ chế “xin - cho”, các dự án PPP cần tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, bình đẳng.

Bảo Thoa