Giá xăng, dầu giảm, giá hàng hóa thiết yếu vẫn “đứng im”Giá xăng dầu giảm mạnh: Cơ hội hạ giá hàng hóa, hỗ trợ kìm chế lạm phát!
Thấp thỏm chờ giá hàng hoá, dịch vụ “hạ nhiệt”
Giá các loại thực phẩm vẫn cao cho dù giá xăng dầu giảm. Ảnh: L.N

Vẫn chưa hết khó

Sau khi giá xăng giảm về mức 25.000 đồng/lít, anh Lê Ngọc Minh (shipper tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) vui mừng nhưng cũng khá băn khoăn vì không biết giá hàng hóa, dịch vụ khi nào mới giảm theo giá xăng dầu?

Anh Minh chia sẻ: “Gần đây giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng tôi thấy nhiều mặt hàng, đặc biệt là phí dịch vụ vận chuyển, phí ship vẫn còn giữ nguyên. Khi giá xăng trở về mức 25.000 đồng/lít như thời điểm tháng 2.2022 chắc chắn người lao động như chúng tôi sẽ giảm được phần nào gánh nặng chi tiêu, chỉ mong thời gian sắp tới giá thực phẩm sẽ đi xuống, giảm theo giá xăng dầu”.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, chị Trần Thị Hoa (chủ một cửa hàng ăn uống tại quận Cầu Giấy) tâm sự, từ đầu năm đến nay, cửa hàng của chị cũng gặp nhiều khó khăn khi giá xăng tăng cao. Hàng loạt chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào, giá gas cũng đã tăng chóng mặt, buộc cửa hàng đã phải thông báo tăng giá khoảng 10-20% một số món ăn trong thực đơn.

“Thời điểm xăng tăng giá đã khiến nhiều mặt hàng ở chợ cũng biến động theo. Hiện một bình gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đang có giá lên khoảng 500.000 đồng/bình loại 12kg; các mặt hàng rau củ trước kia chỉ khoảng 15.000 đồng/kg nay tăng lên 50.000 đồng; hành lá tăng từ 15.000 đồng lên 70.000 đồng; thịt lợn trước kia chỉ có giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg nay đã tăng lên khoảng 110.000 - 130.000 đồng/kg” - chị Nguyễn Thị Yến (tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân) cho hay.

Chờ “độ trễ” để giảm giá

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Hà Nội, các loại thực phẩm đóng gói như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm… là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất. Hiện nay, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng để các mặt hàng nói trên điều chỉnh giá bán thì vẫn cần thêm thời gian do hợp đồng cung ứng thường được điều chỉnh trong khoảng 30-40 ngày.

Anh Nguyễn Văn Huy (chủ xưởng đồ gỗ Hồng Ngọc, thị trấn Vạn Điểm) cũng nêu ý kiến, để giá cả nguyên liệu gỗ hạ nhiệt ngay khi giá xăng dầu giảm trong lúc này sẽ rất khó mà vẫn phải tạm giữ nguyên mức giá cố định. Bởi trước đó, khi xăng tăng giá thì mặt hàng cũng tăng lên theo cấp số cộng hoặc cấp số nhân và các doanh nghiệp chưa thể bù được lỗ vào những lần tăng giá xăng dầu trước đó.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong rổ hàng hóa tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở Việt Nam, việc chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Cần lưu ý rằng, đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.

Cụ thể, khi giá xăng giảm mạnh, tỉ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ giảm đi, dẫn đến sẽ tăng thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng giảm cũng sẽ kéo theo việc giảm giá của những loại hàng hóa khác (dù phải có độ trễ), do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

“Để điều chỉnh được giá bán hàng hoá, dịch vụ thì cần có độ trễ, thậm chí sẽ phải chậm hạ nhiệt do giá nguyên vật liệu và nhiều loại chi phí đang neo giữ ở mức cao. Chúng tôi vẫn mong người tiêu dùng thấu cảm cho phía doanh nghiệp là vẫn cần thời gian để điều chỉnh giá bán sản phẩm. Việc chậm hạ nhiệt giá cả hàng hoá cũng không phải là điều mong muốn của doanh nghiệp” - đại diện cửa hàng thực phẩm Beefood cho hay.

Theo Lan Nhi/laodong.vn

https://laodong.vn/thi-truong/thap-thom-cho-gia-hang-hoa-dich-vu-ha-nhiet-1072847.ldo