Thị trường chứng khoán dự báo sẽ còn tăng
Cảnh báo rủi ro khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến Tận dụng cơ hội trong bối cảnh biến động thị trường chứng khoán |
Thị trường có phiên bật hồi ngoạn mục
Diễn biến chứng khoán hôm nay (1/7) đem tới cho các nhà đầu tư một ngày giao dịch đầy hồi hộp. Ở phiên sáng, thị trường chìm vào sắc đỏ cùng các chỉ số không mấy tích cực. Nguyên nhân chủ yếu là do lực cầu tham gia dè dặt trong khi áp lực bán ngày càng gia tăng, chỉ số VN-Index trở về sát mốc 1.170 điểm.
Đến phiên chiều, sau gần 1 giờ giao dịch, dòng tiền tham gia sôi động với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã dần lan rộng hơn trên thị trường, giúp các thị trường bật hồi mạnh mẽ. Chốt phiên, VN-Index tăng 1,3 điểm lên 1.198,9 điểm.
Tổng quan sàn HOSE có 210 mã tăng, 17 mã tăng trần, 243 mã giảm, 7 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 534 triệu đơn vị, tương đương 11.418,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 35,6 triệu đơn vị, giá trị 892,83 tỷ đồng.
Trong rổ VN30 các mã chứng khoán và ngân hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường, điển hình là SSI tăng 4,8% lên mức 19.700 đồng/CP, BID tăng 4,6% lên 35.050 đồng/CP, CTG tăng 3,1% lên 26.950 đồng/CP… sắc xanh với 18 mã tăng và 10 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này đã kéo từ vùng giá đỏ lên kịch trần như VCI, BSI, FTS, VIX, HCM. Đặc biệt, cổ phiếu VND có thanh khoản vượt trội khi đạt hơn 35,63 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó hơn 3,14 triệu cổ phiếu được khớp lệnh ATC.
Sàn HNX có 81 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index tăng 1,19 điểm, tăng 0,43% thành 278,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.277 tỷ đồng, tăng 32,75% về lượng và 18,89% về giá trị so với phiên hôm qua.
Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS tăng 6,6% khớp hơn 9,5 triệu đơn vị, chỉ đứng sau PVS về thanh khoản với 12,14 triệu đơn vị; APS tăng 8,7%, ART tăng 2,2%, MBS tăng 6,6%, BVS tăng 3,3%, VIG tăng 5%…
Riêng UpCoM-Index giảm 0,41 điểm, giảm 0,46%, xuống 88,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,75 triệu đơn vị, giá trị 878,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,25 triệu đơn vị, giá trị 57,95 tỷ đồng.
Chuyên gia dự báo thị trường sẽ tăng
Tại cuộc tọa đàm “Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong “giai đoạn vàng” để tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực phát biểu tại cuộc tọa đàm “Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”. |
Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.
Tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Phát hành thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình cho biết, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021, một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Với bối cảnh hiện nay, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc điều hành thị trường trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có những thay đổi chính sách, trong đó chú trọng nâng cao các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.
Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, sẽ khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin vào vận hành. Từ đó, giải quyết tăng trưởng và hỗ trợ triển khai các giải pháp giao dịch mới cũng như giải pháp thanh toán bù trừ mới; hỗ trợ tốt hơn cho việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
Bà Bình nhận định, mặc dù thị trường chứng khoán hiện đang gặp nhiều khó khăn, song các điểm sáng vẫn còn. Phải kể đến lượng tài khoản mở mới vẫn tăng mạnh; nhà đầu tư ngoại mua ròng từ đầu năm đến nay, lũy kế từ đầu năm đến 15/6, khối ngoại mua ròng nhẹ trên 2.000 tỷ đồng, kinh tế hồi phục tốt, 86% công ty niêm yết báo cáo có lãi (cao hơn số 83% cùng kỳ năm 2021).
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây chịu sự tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.
Lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay.
Vị chuyên gia này giải thích: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền đầu tư với lợi suất cao hơn và an toàn hơn.
Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Do đó, khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận xét, mặt bằng định giá cổ phiếu hiện đã trở nên hấp dẫn khi quan sát lịch sử của VN-Index. Mặc dù vậy, mức độ đắt - rẻ của thị trường sẽ bị ảnh hưởng trong những môi trường lãi suất khác nhau.
Với xu hướng lãi suất được dự báo tăng lên trong thời gian tới, Agriseco Research đánh giá cụ thể về mức độ đắt, rẻ của các cổ phiếu nhóm VN30 và VN Midcap với góc độ tiếp cận khác như so sánh mức độ tương quan giữa giá trị cổ phiếu và giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Bình luận