Dệt may, da giày trước nguy cơ thiếu đơn hàng cuối năm Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động gặp khó Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp
Thiếu đơn hàng, công nhân bị giãn việc
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Ảnh: Hà Anh Chiến

Làm thời vụ chờ việc

Những ngày này, chị Lương Thị Lý, (29 tuổi, quê Nghệ An) đang phải nhận hàng về nhà trọ để làm thời vụ sau khi công ty cho toàn bộ công nhân ngừng việc do thiếu đơn hàng.

Chị Lý vừa kết thúc thời gian nghỉ thai sản thì vào lại Đồng Nai làm việc tại Công ty TNHH gỗ Lee Fu Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hoà, Đồng Nai). Tuy nhiên, chưa làm việc trở lại được bao lâu thì Công ty gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, công việc của chị ngày càng ít đi và đến ngày 1.9, Công ty nơi chị làm việc cho toàn bộ công nhân tạm thời nghỉ việc, chờ có đơn hàng để vào ca trở lại.

Chị Lý cho biết, trong thời gian ngưng việc, 14 ngày đầu tiên chị được hưởng mức lương 180.000 đồng/người/ngày. Còn từ ngày thứ 15 trở đi thì không được hưởng nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam cho biết, Công ty tạm ngưng hợp đồng với 700 lao động trong thời gian 1 tháng, chờ có đơn hàng mới thì cho người lao động làm việc trở lại.

Theo Công đoàn các Khu công nghiệp Biên Hoà, hiện nay các doanh nghiệp ngành gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước cũng đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp gia công giày da trên địa bàn cũng trong tình trạng tương tự. Các doanh nghiệp này phải sắp xếp cho người lao động nghỉ từ 3-4 ngày trong một tháng bằng các hình thức cho người lao động nghỉ phép năm, đối với người lao động hết phép năm thì cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.

Công đoàn đàm phán với doanh nghiệp giúp NLĐ ít bị ảnh hưởng nhất

Chị Phan Thị Nhàn (29 tuổi), công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, những tháng gần đây chị cũng không được tăng ca để kiếm thêm thu nhập do công ty đang gặp khó khăn về đơn hàng. Hiện công ty đang sắp xếp cho chị nghỉ vào các ngày phép năm nên cuộc sống cũng rất khó khăn.

Công ty TNHH Changshin Việt Nam hiện nay có tới hơn 40.000 người lao động. Đại diện Công đoàn cơ sở công ty này cho biết: Do công ty vẫn thiếu đơn hàng, để đảm bảo thu nhập của người lao động ít bị ảnh hưởng nhất, công ty đang giải quyết cho người lao động nghỉ phép 2 ngày/tháng. Nếu phép năm 2022 hết thì cho nghỉ sang phép của năm 2023. Công ty cố gắng cầm cự, tình hình khả quan thì sẽ hoạt động trở lại bình thường, nếu đơn hàng vẫn khó khăn thì phải tính tới phương án khác.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Biên Hoà cho biết: “Công đoàn đang nỗ lực cùng công đoàn cơ sở đàm phán với chủ doanh nghiệp để người lao động ít bị ảnh hưởng, thiệt thòi”.

Trước những khó khăn của NLĐ, ông Hồ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - đề nghị các cán bộ Công đoàn cần khéo léo thương lượng với phía doanh nghiệp để sớm có phương án nâng lương tối thiểu vùng cho NLĐ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống NLĐ, nhất là chia sẻ khó khăn với NLĐ trong thời điểm hiện nay.

Ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch CĐ Cty Juki Việt Nam (công ty có khoảng 1.300 lao động) - cho biết, hiện công ty giảm đơn hàng nhiều, ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Cụ thể, có một xưởng với khoảng 300 lao động đang bị thiếu đơn hàng nên chỉ đi làm bình thường chứ không tăng ca. “Mới tuần trước có thể thông báo nhiều đơn hàng, nhưng tuần sau lại thông báo ít đơn hàng là bình thường” - ông Đại nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam phụ trách phía Nam - cũng cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của xung đột Nga - UKraine dẫn đến người dân ở các nước tiêu thụ hàng hóa nhiều như: Châu Âu, Mỹ thắt chặt chi tiêu, ít mua giày dép, quần áo hơn mà tập trung mua thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu hơn. “Đặc biệt tình hình đơn hàng diễn biến rất nhanh, tháng trước mới có đơn hàng rất nhiều, thậm chí doanh nghiệp phải từ chối nhận hàng, nhưng tháng sau đã thấy thiếu đơn hàng nên gặp khó khăn” - bà Thủy nói.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết, có nghe thông tin về việc một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tuy nhiên chưa có báo cáo chính thức nào từ các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hay CĐCS. Từ đó, LĐLĐ TPHCM đã yêu cầu các cấp CĐ, nhất là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở phải đeo bám, nắm bắt kịp thời thông tin về việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đặc biệt là những tháng gần Tết và báo cáo cho LĐLĐ TPHCM biết, trên cơ sở đó để có kế hoạch chăm lo, hỗ trợ NLĐ phù hợp với thực tế.

Theo Nhóm PV/Laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/thieu-don-hang-cong-nhan-bi-gian-viec-1092209.ldo