Bộ Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu Đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị Nhật Bản

Tập đoàn AEON đã bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009. Cho đến nay, tại Việt Nam, AEON có 8 công ty thành viên, đầu tư vào đa dạng lĩnh vực kinh doanh như: phát triển trung tâm mua sắm, bán lẻ, tài chính, dịch vụ, xuất khẩu.

Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” mới đây, ông Furusawa Yasuyuki, thành viên ban Giám đốc Điều hành của Tập đoàn AEON phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, doanh nghiệp số 1 Nhật Bản này đã nhận thấy nhiều cơ hội và mong muốn hợp tác, chung tay đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi ở đây có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Đầu tiên, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Mức sống của người dân ngày càng nâng cao. Cũng như Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.

Thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao rất tốt, cả hai bên đều nỗ lực thúc đẩy phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược trong nhiều năm qua. Ngoài bán lẻ, Việt Nam và Nhật Bản còn có lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác.

Thu hút FDI trong ngành bán lẻ nhìn từ kinh nghiệm AEON
Chuỗi siêu thị AEON tại Việt Nam thu hút đông đảo người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Đối với AEON, chúng tôi đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014. Chúng tôi nhận thấy rằng thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển vược bậc với những yếu tố tương tự như giai đoạn phát triển thần tố của Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi tin rằng với những kinh nghiệm và bí quyết mà AEON đã có được ở Nhật Bản, chúng tôi có thể áp dụng và đóng góp vào sự phát triển của thị trường Việt Nam”.

Theo đánh giá của ông Furusawa Yasuyuki, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, tuy nhiên nhìn chung, tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, nhà đầu tư sẽ có các kỳ vọng và những thách thức khác nhau.

Là một nhà bán lẻ, vị chuyên gia cũng bày tỏ, mỗi quốc gia đều sẽ có sự khác biệt trong quy định. Do đó, để có thể tăng tốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đại diện AEON Việt Nam cũng mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, như AEON, sẽ luôn nỗ lực và tích cực hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương, khách hàng và cộng đồng. Việc phối hợp và đưa ra các quyết định nhanh chóng với địa phương/ khu vực đóng vai trò rất quan trọng.

Chia sẻ về định hướng phát triển của Tập đoàn AEON tại thị trường Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki cũng cho biết, trong 5 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ có thể đáp ứng được sự thay đổi của thị trường và xu hướng của khách hàng thì sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Thu nhập của người Việt ngày càng tăng lên, do đó, người tiêu dùng sẽ mong muốn sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, cao cấp hơn. Sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ để thay đổi và phát triển.

Thu hút FDI trong ngành bán lẻ nhìn từ kinh nghiệm AEON
Quy mô và thiết kế của Siêu thị AEON tại Hà Nội còn là điểm đến check-in và mua sắm của người dân và du khách. (Ảnh: Bảo Thoa)

“Khi nhìn lại 11 năm qua, có thể nói là chúng tôi đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất. Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư.

Mục tiêu lớn nhất của AEON mà chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện là trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt, như một doanh nghiệp Việt Nam phục vụ người Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Có thể thấy, 90% sản phẩm trong hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam là sản phẩm nội địa. Do đó, khi AEON mở rộng hệ thống kinh doanh không chỉ góp phần phát triển hạ tầng thương mại của Việt Nam mà còn thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm Việt trong chuỗi bán lẻ của AEON.

Vì vậy, trong 3-5 năm tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở các trung tâm mua sắm quy mô lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch về ưu tiên sự tiện lợi, AEON sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, ví dụ như trung tâm mua sắm, Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, siêu thị cỡ vừa, siêu thị cỡ nhỏ.

Đơn vị này cũng cũng có thể tăng tốc việc mở mới cửa hàng, đem đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho người dân địa phương.

“Với vai trò của một nhà bán lẻ, AEON luôn xác định sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu chính của chúng tôi”, đại diện AEON Việt Nam nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, AEON sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tới các thị trường quốc tế thông qua hệ thống bán lẻ.

Đặc biệt, AEON tại Việt Nam cũng hợp tác với các công ty của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á để sản xuất các sản phẩm nội thất mang thương hiệu Việt Nam. Nếu chất lượng ổn định và được thị trường đón nhận tốt, AEON sẽ tăng sản lượng và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm này. Đây cũng là tín hiệu vui đối với ngành nội thất trong nước.

Bảo Thoa