Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “nóng” về thị trường bất động sản
Dự báo thị trường bất động sản "vực dậy" vào nửa cuối năm 2023 Làm lành mạnh thị trường bất động sản |
Trước dự báo tình hình kinh tế sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong tháng 2 và thời gian tới, theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan sẵn sàng để tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. (Ảnh: HP) |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đối với thị trường vốn, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong “rổ hàng” tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.
Ngay sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản khá hồ hởi. Trao đổi nhanh với chúng tôi, bà Nguyễn Mai Hương - Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết những chỉ đạo này mặc dù chưa thể tác động ngay đến thị trường, tuy nhiên mang lại niềm tin mới cho thị trường bất động vốn đang khá ảm đạm.
Được biết, cuối năm 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành. Tổ công tác đã khẩn trương làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn cho các đơn vị.
Trước đó, thị trường địa ốc đã rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài với nhiều khó khăn đè nén. Hàng loạt các động thái thắt chặt về tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường bắt đầu có sự biến động.
Những tác động này khiến thanh khoản của bất động sản liên tục sụt giảm, nhiều dự án dù đang triển khai dang dở cũng phải tạm dừng. Bên cạnh đó, những vấn đề như nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cơ cấu nguồn hàng,... vẫn chưa được giải quyết cụ thể.
Mặc dù, chưa thể tác động ngay đến thị trường bất động sản nhưng những động thái quyết liệt tháo gỡ của Chính phủ đã giúp thị trường bất động sản nhanh chóng có thêm niềm tin và khởi sắc hơn. Nếu những vướng mắc của thị trường hiện nay sớm được tháo gỡ, nguồn vốn khơi thông trở lại sẽ “đánh thức” được niềm tin của thị trường. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ hồi phục mạnh mẽ, tạo cú hích để thúc đẩy các ngành khác trong nền kinh tế.
Bình luận