Đề nghị Nhật Bản xem xét mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam Mở rộng hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc Cơ hội trở thành thực tập sinh hộ lý với đãi ngộ hấp dẫn tại Nhật Bản

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: Nhật Bản được coi là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt được người lao động Việt Nam ưa thích lựa chọn.

“Trong quá trình thực tập, lao động tại Nhật Bản, thực tập sinh/lao động Việt Nam có điều kiện tham gia, đóng góp cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh của Nhật Bản, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo điều kiện hỗ trợ tích cực các thực tập sinh/lao động trong việc hoà nhập, học tiếng và làm quen với đời sống văn hoá - xã hội của Nhật Bản”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.

Thúc đẩy hợp tác lao động thông qua chương trình thực tập sinh
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMi, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhậtn - Việt

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng nước ngoài nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ cho quốc gia phái cử là các nước đang phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản với các nước phái cử... Đến nay đã có hàng trăm ngàn thực tập sinh kỹ năng trở về Việt Nam sau khi hoàn thành Chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Những lao động này đã phát huy kỹ năng, ý thức tác phong công nghiệp, trình độ tiếng Nhật cũng như sự hiểu biết về đất nước, phong tục tập quán của Nhật Bản để đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập tới 3 vấn đề với ông Takebe Tsutomu để hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác toàn diện, đó là: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động làm việc tại Nhật Bản, phát triển nguồn nhân lực và vấn để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Ví dụ, Việt Nam có thể đặt hàng Nhật Bản đào tạo ở những lĩnh vực khó mà Việt Nam đào tạo chất lượng chưa cao và ngược lại Nhật Bản có thể đặt hàng Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao để sang Nhật làm việc. Đồng thời, phối hợp xây dựng mạng lưới an sinh, trong đó có sự hợp tác về bảo hiểm xã hội, các vấn đề an sinh xã hội, sự hợp tác cần toàn diện hơn nữa để người lao động khi tham gia có việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội bền vững.

Đáp lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Takebe Tsutomu bày tỏ đồng cảm và chia sẻ với những ý kiến của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam đã đề cập đồng thời đánh giá rất cao những thể chế, chính sách mà Việt Nam đã làm đối với người lao động.

Tại buổi trao đổi, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu đã tiếp thu những ý kiến mang tính xây dựng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. “Tháng 11 năm nay, dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ họp bàn để sửa đổi các chế độ chính sách, trong đó có chính sách về lao động”, ông Takebe Tsutomu nói.

Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Takebe Tsutomu tin tưởng, với sự nỗ lực cố gắng của hai bên, Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.