Ống hút gạo giành giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo Thông xe nhánh 2 cầu Bưng, giảm ùn tắc ở khu vực Tây Bắc TP.HCM Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai "bứt tốc" sau dịch Covid-19

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM khẳng định, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân kiều bào nói riêng đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức kinh doanh thành công và đóng góp cho quê hương đất nước. Đặc biệt trong hai năm dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào không chỉ đảm bảo sản xuất kinh doanh mà còn có những đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của Thành phố.

Ông Trần Đức Hiển hy vọng hội nghị sẽ góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu cho sự kết nối các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, vươn xa. Trong đó tập trung vào các hoạt động kết nối khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19; các giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2024” theo Quyết định 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2019.

Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp TP.HCM
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện một số Sở, ngành của Thành phố và các doanh nghiệp đã chia sẻ các giải pháp phát huy vai trò doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố trong xây dựng và phát triển Thành phố.

Ông Steve Bùi, kiều bào Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C, cố vấn cấp cao Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia (Vinen), Chủ tịch Quỹ Steven Bùi và những người bạn cho rằng, cộng đồng người Việt Nam tại các nước luôn có tình cảm, sự trân trọng với sản phẩm của Việt Nam, sẵn sàng tham gia giới thiệu, quảng bá, đưa hàng hóa Việt đến thị trường quốc tế.

Ông Steven Bùi mong muốn các doanh nghiệp kiều bào tiếp tục có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước, trong đó, có hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và tham gia hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng tại quê hương, với hy vọng "những việc làm của các doanh nhân kiều bào là những hạt mầm để hướng tới những quả ngọt trong tương lai."

Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp TP.HCM
Tiến sĩ Lê Hoàng Thế (ở giữa) Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tại hội nghị.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Trung bình, mỗi năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và TP.HCM.

"TP.HCM và cả nước đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19 nên rất cần sự nối kết, cộng hưởng sức mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào để tạo dựng nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho đất nước", ông Lê Hoàng Thế cho biết.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào đồng hành, hợp tác hiệu quả cùng doanh nghiệp trong nước rất cần Nhà nước sớm đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Quốc tịch… phù hợp thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo hộ, tạo điều kiện cho doanh nhân, kiều bào đầu tư kinh doanh trong nước.

Ông Lê Hoàng Thế nhận định, điều doanh nhân kiều bào luôn mong mỏi là các cơ quan chức năng các cấp quyết liệt đột phá về cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư.

"Trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh kết nối hệ thống doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu hàng hóa địa phương. Sự gắn kết máu thịt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng chung cho nội lực kinh tế Việt Nam phát triển", ông Lê Hoàng Thế chia sẻ thêm.