Ống hút gạo giành giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo
Thông xe nhánh 2 cầu Bưng, giảm ùn tắc ở khu vực Tây Bắc TP.HCM Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai "bứt tốc" sau dịch Covid-19 TP.HCM: Gỡ vướng cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm |
Chiều 16/10, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" lần 8 khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về dự án "Các sản phẩm ống hút - bún gạo" của chị Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM). Dự án này nhận cúp và giải thưởng trị giá 125 triệu đồng.
Chia sẻ tại cuộc thi, chị Trương Thị Hồng Hà cho biết, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành thực phẩm, bên cạnh đó là công nghệ sản xuất sẵn có từ gia đình, vợ chồng chị Hà đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ống hút gạo mang thương hiệu OHUGA. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn cho sức khoẻ con người, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi sử dụng.
Với thành phần chính được làm từ tinh bột gạo, màu tự nhiên từ các loại rau củ quả như: củ dền, rau ngót, gấc, hạt dành dành, cà rốt, hoa đậu biếc… ống hút gạo OHUGA trở nên sống động với nhiều màu sắc, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Không dừng lại ở ống hút gạo, vợ chồng chị Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, kết hợp cả với bí quyết gia truyền để tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như nui, bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo… Sản phẩm được sản xuất từ hạt gạo ngon, không sử dụng chất bảo quản, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, sản phẩm đạt chuẩn HACCP và FDA của Mỹ.
Chị Trương Thị Hồng Hà – Chủ dự án “Các Sản phẩm Ống hút, bún gạo” nhận giải nhất cuộc thi "Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo". |
Tại cuộc thị, Ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì (trị giá 65 triệu đồng/giải) cho các dự án "Sản xuất Dược Trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản" của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) và "Vòng đời các sản phẩm từ cây Sen" của nhóm Lương Việt Chương (Phú Yên).
Ngoài ra, 3 giải ba (trị giá 55 triệu đồng/giải) thuộc về dự án "NANOSALT - Muối dược liệu Việt Nam" của Trần Thị Hồng Thắm (Nghệ An), "Nâng cao giá trị nông sản Sơn La - Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa" của Bùi Phương Thanh (Sơn La) và "Dự án Phát triển làng nghề giấm truyền thống Bách Cốc cổ" của Vũ Minh Ngọc (Nam Định).
Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Chính phủ, đại diện Ban giám khảo nhận xét: "Chung kết có 28 dự án tham gia, trải khắp cả nước từ Bắc – Trung – Nam, có tính đại diện rất cao trong phong trào khởi nghiệp. Có đến 16 dự án do các bạn nữ trình bày, đây là điều thể hiện sự tự tin phát triển của phụ nữ ngày nay".
Hơn nữa, Ban giám khảo có nhiều điều ấn tượng sâu sắc về giải năm nay. Đầu tiên, đó là thấy rất rõ khát khao khởi sự kinh doanh của các bạn trẻ: rất mạnh, cao và đưa ra những điều mong muốn với ban giám khảo để được góp ý, chia sẻ nhiều hơn. Đây là điều đam mê vô cùng cần thiết của doanh nhân.
Chị Trần Thị Hồng Thắm (Nghệ An) trình bày dự án “NANOSALT – Muối dược liệu Việt Nam”, đoạt giải 3 với phần thưởng 55 triệu đồng. |
Ngoài ra, ý tưởng khởi nghiệp của các dự án lần này phong phú, khá đa dạng về cách thức khởi nghiệp, sản phẩm… thể hiện nền nông nghiệp còn nhiều dư địa, nhiều room để khai thác. Người trẻ rất nên có những ý tưởng mới nảy sinh trong xã hội, trong thế giới thay đổi như hiện nay. Có nhiều bạn trẻ thể hiện giấc mơ rất lớn không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho cộng đồng, quê hương, đất nước.
Sự quan tâm đến tài nguyên bản địa, bản sắc địa phương, quan tâm đến việc quảng bá đến những giá trị tốt đẹp của địa phương mình. Hầu hết các dự án đều thể hiện đến cộng đồng, lợi ích xã hội và môi trường. Những doanh nghiệp lớn hiện nay đều theo phương châm đến môi trường, xã hội và quản trị, đây là những yếu tố quan trọng, tạo cho doanh nghiệp sức mạnh và sự ủng hộ của mọi người để phát triển lâu dài. Các dự án đều có sự nỗ lực, chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc khi đến với cuộc thi, đây là điều rất đáng được hoan nghênh.
Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cho biết, vẫn có một số dự án tham dự giải chưa chuẩn bị kỹ về thông tin, chưa biết trên thương trường người ta đang làm gì, công nghệ đã được đổi mới như thế nào nên hơi quá tự tin, dẫn đến thiếu sót. Về bài toán kinh doanh, nhiều bạn chuẩn bị khá sơ sài, lúng túng… Có một số dự án chưa tính toàn kỹ về nhân sự, quá tự tin về bản thân nên không nghĩ tới những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự rất quan trọng trong doanh nghiệp. Vấn đề marketing, thị trường cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp trẻ cần quan tâm đầy đủ.
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe), Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đồng tổ chức với 2 tôn chỉ hoạt động xuyên suốt là: Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Và hỗ trợ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững. Triển khai vào tháng 5/2022, cuộc thi thu hút được đông đảo thanh niên Việt Nam hưởng ứng tham gia. Sau hơn 3 tháng, 163 dự án đại diện cho 40 tỉnh thành đã đăng ký, nộp đề cương tham gia. Vòng sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn ra 88 dự án tốt nhất, đại diện cho 32 tỉnh, thành tham gia vòng thi bán kết. Từ đầu tháng 8/2022, sau khi công bố các dự án vào bán kết, Ban tổ chức cuộc thi đã tiến hành gần 15 đợt tập huấn cho các dự án này. |
Bình luận