Xúc tiến đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM TP.HCM: Gỡ vướng từng nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công Khởi công dự án thành phần 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM

Hoàn chỉnh hạ tầng đường bộ

Liên quan đến phát triển hạ tầng đường bộ, vừa qua Uỷ ban nhân dân (UBND) TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận bàn giao tuyến Quốc lộ 1K về cho Thành phố quản lý để TP.HCM tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến Quốc lộ 1K, trong đó có đoạn đi qua thành phố Thủ Đức (TP.HCM) được Bộ GTVT giao TP.HCM quản lý, sau đó được bàn giao cho Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1K thực hiện theo hình thức BOT. Hiện tại Cục quản lý đường bộ IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tạm quản lý sau khi dừng thu phí trên tuyến Quốc lộ 1K theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Hiện nay trên tuyến Quốc lộ 1K đang tồn tại bất cập về hệ thống báo hiệu giao thông chưa đầy đủ, biển báo phân làn không hợp lý, nhiều vị trí giao lộ nguy hiểm chưa được lắp đặt tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng không hoạt động… Nguyên nhân là Cục Quản lý đường bộ IV chưa được bố trí kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa.

Đáng chú ý là việc triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Để sớm triển khai dự án, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho TP.HCM để bổ sung cho dự án Vành đai 3 là 19.449 tỷ đồng.

TP.HCM: Gỡ vướng cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm
Bình đồ hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Trước đó Quốc hội ban hành Nghị quyết 57/2022/QH15 chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, xác định nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư cho dự án là 29.676 tỷ đồng, trong đó các địa phương nơi dự án đi qua gồm TP.HCM bố trí 19.449 tỷ đồng, Đồng Nai bố trí 1.567 tỷ đồng, Bình Dương bố trí 7.808 tỷ đồng, Long An bố trí 852 tỷ đồng.

Đối với quy hoạch đường Vành đai 4 TP.HCM, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND Thành phố thông qua kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4; tổ chức họp với Bộ GTVT, UBND các tỉnh nơi dự án đi qua gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thống nhất các nội dung quan trọng, định hướng để nghiên cứu phương án đầu tư đồng bộ trên toàn tuyến và ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện.

Đoạn đi qua địa bàn TP.HCM gồm đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn và kênh Thầy Cai) có điểm đầu tuyến tại cầu Phú Thuận thuộc Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, điểm cuối tuyến là cầu Thầy Cai thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng chiều dài tuyến khoảng 17,3km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch gồm 8 làn xe cao tốc. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.187 tỷ đồng.

Một dự án đường bộ trọng điểm khác là mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM (tổng mức đầu tư dự án gần 1.500 tỉ đồng, thực hiện đến năm 2024). Trong quá trình thi công xây dựng đã phát sinh vướng mắc như đầu tư nút giao giữa Quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức – Long Thành, trùng lắp khối lượng. Vì thế, Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư sớm thi công, nghiệm thu hoàn thành và kết thúc dự án nâng cấp, mở rộng 1,65 Km Quốc 1ộ 50 (đoạn từ Km6+665 đến đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước); đồng thời rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án, tránh trùng lắp khối lượng, trình duyệt theo đúng quy định.

Chủ động phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, UBND huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết kế hoàn thiện nút giao thông Quốc 1ộ 50 với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tăng cường kết nối giao thường đường sắt, sân bay

Không chỉ dự án đường bộ đang gặp vướng mà một số dự án đường sắt trong đó có dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên, tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng) đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Cụ thể, hiện nay dự án đã triển khai được 4/5 gói thầu xây lắp thiết bị, tổng khối lượng công việc đã thực hiện được 92,28%. Dự án đang gặp vướng về việc nguồn vốn trung hạn đã giao không còn để phân bổ cho các năm sau (riêng năm 2023 dự kiến là 1.344 tỷ đồng).

TP.HCM: Gỡ vướng cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang gặp vướng về thủ tục và bố trí nguồn vốn.

Hiện Sở Tài chính TP.HCM đang tham mưu văn bản để UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về điều chỉnh giá trị vốn cấp và vay lại thuộc Thỏa thuận vay VN15-P5, đồng thời thực hiện thủ tục điều chỉnh giá trị hợp đồng vay lại.

Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương, tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng), hiện công tác giải phóng mặt bằng chỉ mới đạt 85,15%, hoàn tất công tác thiết kế di dời và tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật. Dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030. UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.HCM tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá đề xuất kỹ thuật, tài chính gói thầu CS2B.

Trong khi đó, để triển khai quy hoach hệ thống đường sắt kết nối Vùng TP.HCM, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ GTVT sớm chủ trì, làm việc với UBND TP.HCM và các địa phương, Bộ ngành liên quan để xác định hướng tuyến, các vị trí nhà ga gắn với phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống đường sắt, phát triển đô thị bền vững cũng như sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến đường sắt đi qua. Trong đó TP.HCM đề nghị ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Về kết nối giao thông sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay TP.HCM đang triển khai dự án đầu tư xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa nhằm kết nối vào nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng.

Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ mới tiến hành công tác khảo sát, đo đạc kiểm đếm thực địa do có tới 16 đơn vị quốc phòng sẽ phải thu hồi đất nên gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Dự kiến tháng 12/2022 sẽ thi công đoạn từ đầu tuyến đến đường Thăng Long, quý 1/2023 sẽ thi công đoạn còn lại từ đường Thăng Long đến cuối tuyến.

Vừa qua UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác thu hồi đất với diện tích 16,05ha tại phường 4, 12, 15 quận Tân Bình. Trong đó từ ngày 16/10 – 20/10 Thành phố sẽ ban hành Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; từ ngày 24/10 – 20/10/2022 chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

Để tháo gỡ khó khăn, TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm bàn giao đất quốc phòng cho Thành phố, cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất để TP.HCM có cơ sở lập phương án bồi thường.