Làng cổ Đường Lâm đón đoàn khách du lịch quốc tế “xông đất” đầu năm Bộ Giao thông vận tải phấn đấu đưa vào khai thác ít nhất 130km cao tốc trong năm 2024 Thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa

Hạ tầng giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước. Chẳng thế mà, những khẩu hiệu định danh mạnh mẽ như “giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó"… đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, đặc biệt là của Ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng - trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Việc tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, kết cấu hạ tầng các đô thị lớn được quy hoạch căn bản, tạo ra bước thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mùa xuân từ những cung đường
Giao thông mở rộng tới đâu, kinh tế phát triển tới đó.

Trên tinh thần đó, giai đoạn 2021 - 2030, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km cao tốc và đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ và Ngành GTVT đang dồn sức xây dựng hệ thống đường cao tốc trên mọi miền đất nước. Theo Bộ GTVT, nếu giai đoạn 2011 - 2020, cả nước chỉ có 1.259km đường cao tốc được đưa vào khai thác, thì đến 2030 sẽ tăng lên khoảng 5.000km, tức gấp gần 4 lần so với giai đoạn 10 năm trước đó.

Riêng năm 2023, có khoảng hơn 600km đường cao tốc được hoàn thành, đưa tổng số đường cao tốc tại Việt Nam lên hơn 1.800km. Đáng chú ý, nhiều tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành trong năm 2023 như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ... Ngoài ra, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cũng mới được đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023.

Bộ GTVT cũng đang triển khai hàng loạt dự án cao tốc trên khắp cả nước. Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần, tổng chiều dài hơn 650km. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần, tổng chiều dài 729km. Theo trục Đông - Tây, Bộ GTVT đang nghiên cứu, triển khai các dự án như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tại khu vực phía Nam, đang triển khai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xuyên khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại khu vực ven biển phía Bắc, đang chuẩn bị đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Còn khu vực miền núi phía Bắc, Tập đoàn Đèo Cả đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư hai tuyến cao tốc là Chi Lăng - Hữu Nghị và Đồng Đăng - Trà Lĩnh để nối hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.

Ngoài ra, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi thành phố đang được xây dựng một dự án đường vành đai quy mô lớn. Đây là những đường vành đai cao tốc đô thị, kết nối các vùng lân cận với hai trung tâm Chính trị, kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước.

Mùa xuân không chỉ có ở những cung đường bộ, những cung đường hàng không cũng đang dệt nên sức xuân mới. Một “siêu dự án” đang mang theo kỳ vọng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo thiết kế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng hàng không đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cửa ngõ hàng không lớn, quan trọng của quốc gia và khu vực. Trong đó, giai đoạn 1, có công suất 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là 100 triệu khách sau năm 2030.

Một cảng hàng không có quy mô lớn như Long Thành, ngoài việc “chắp cánh” cho sự phát triển của ngành hàng không còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia. Sân bay Long Thành sẽ gia tăng lợi thế thu hút đầu tư FDI; đồng thời, thúc đẩy du lịch vùng và trở thành cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam ra quốc tế. Luồng khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm, đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam tới khu vực và quốc tế.

Mùa xuân từ những cung đường
Hà Nội đang gấp rút triển khai xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Theo Bộ GTVT, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước. Để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; trong đó Ngành GTVT được giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao”.

Trên tinh thần này, trong năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn. Bộ GTVT cũng sẽ đôn đốc và gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kết quả giải ngân của từng dự án, đặc biệt tại các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm.

Bộ GTVT nêu cao tinh thần phấn đấu, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.