Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc
Theo đó, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 45-KL/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Hệ thống đường cao tốc được phủ rộng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Đinh Luyện |
Cụ thể, tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.
Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thuỷ nội địa có nhu cầu vận tải lớn; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...
Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện, cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.
Hệ thống đường cao tốc được đẩy mạnh triển khai xây dựng. Ảnh: Đinh Luyện |
Nâng cấp và xây dựng một số hệ thống hồ trữ nước quan trọng, chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng hạ tầng số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu lớn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Nâng cao chất lượng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng sinh thái, bền vững.
Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, đường vành đai, các dự án thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập tại các đô thị lớn; đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung với công nghệ đồng bộ, hiện đại.
Xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển, đầu tư trọng điểm để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển các thiết chế văn hoá hiện đại, mạng lưới cơ sở văn hóa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại; phát triển mạnh hạ tầng du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế; đầu tư hạ tầng nông thôn mới cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền. Đồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng bảo đảm an sinh xã hội.
Bình luận