Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai "bứt tốc" sau dịch Covid-19
Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp mang lại nhiều hy vọng cho nhà đầu tư |
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM: Trong 9 tháng đầu năm 2022, các KCN - KCX trên địa bàn Thành phố đã thu hút 422,34 triệu USD đầu tư, tăng 3,05% so với cùng kỳ. Diện tích đất cho thuê đạt 44,07 ha, diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 96.670m2. Các ngành nghề thu hút các dự án đầu tư trong nước gồm bất động sản, cơ khí, dịch vụ, thực phẩm, điện tử, bao bì… Các KCN - KCX trên địa bàn TP.HCM thu hút 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 12,33 tỷ USD, sử dụng hơn 281.000 lao động Việt Nam.
Một góc KCN Đông Nam huyện Củ Chi TP.HCM. |
Hiện nay TP.HCM đang xây dựng Đề án “Định hướng phát triển các KCN - KCX giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, bổ sung KCN Phạm Văn Hai (668ha) vào quy hoạch phát triển KCN Thành phố, đồng thời đề xuất quỹ đất xây dựng Khu lưu trú công nhân KCX Linh Trung 2 và Tân Thuận; phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Củ Chi.
Trong khi đó UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, đấu giá, đấu thầu, thủ tục đầu tư đẩy sớm triển khai 8 KCN mới trên địa bàn tỉnh.
Theo đó thực hiện quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai sẽ có thêm 8 KCN mới gồm: Gia Kiệm, Cẩm Mỹ, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn. Các KCN trên nằm ở các huyện Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ với tổng diện tích hơn 8.200 ha.
Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng thêm 8 KCN mới. |
Hiện tại, các KCN của tỉnh Đồng Nai đã lấp kín 86% diện tích cho thuê. Trong thời gian sắp tới, UBND tỉnh Đồng Nai xác định, sẽ nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện các KCN trên đang gặp một số vướng mắc về thủ tục đầu tư liên quan các diện tích đất trồng cao su, đất rừng; việc xác định đấu giá, đấu thầu; quy hoạch phân khu… Trong hầu hết các vướng mắc, đều đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ ngành và Chính phủ. Đơn cử như trong các dự án chủ yếu sử dụng đất trồng cây cao su, hiện chưa có quy định xử lý cụ thể, tỉnh Đồng Nai cũng không thể xác định được là thuộc trường hợp đấu giá hay đấu thầu nên phải đợi hướng dẫn từ các bộ, ngành.
Bình luận