“Dấu chân số” có thể ảnh hưởng cơ hội việc làm của sinh viên Sắp diễn ra phiên giao dịch việc làm cho lao động EPS Dệt may phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD

Gần 1 triệu lao động được hưởng lợi

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ và họp khởi động Chương trình Better Work giai đoạn 2023-2027.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Chương trình Better Work Việt Nam bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 7/2009. Mục tiêu của chương trình là nhằm cải thiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn lao động dựa trên Luật Lao động Quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may mặc và da giày.

Thúc đẩy việc làm tốt hơn cho người lao động
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam, ILO và IFC ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình Better Work Việt Nam giai đoạn 2023-2027. (Ảnh: Lương Hằng)

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI với vai trò Ban Tư vấn Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với chương trình để đảm bảo các tác động và mục tiêu của chương trình phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, sau gần 14 năm hoạt động tại Việt Nam, các hoạt động của Chương trình Better Work được các đối tác ba bên đánh giá là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực cho quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật lao động tại Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu tại Việt Nam năm 2009, hơn 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động đã hưởng lợi từ chương trình. Ngoài ra, hơn 60 khách hàng quốc tế cũng đã đăng ký tham gia chương trình này.

Báo cáo đánh giá của Better Work Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc và da giày đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và pháp luật lao động quốc gia về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn, sức khỏe lao động và thời giờ làm việc...

Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc cho người lao động mà đồng thời còn nâng cao năng suất và lợi nhuận, tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết, dệt may, da giày là hai ngành hàng thâm dụng lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Còn ở ngành da giày con số này là 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ 18%.

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng những hoạt động hợp tác giữa VCCI và Better Work cùng cơ quan ba bên tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đối với doanh nghiệp dệt may, da giày, đặc biệt là các hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng trong bối cảnh hiện nay.

Tiếp tục mở rộng quy mô chương trình

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định, Việt Nam có nền kinh tế mở, việc gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm gần đây như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội và cả thách thức.

Do vậy, không chỉ cần tập trung vào công tác rà soát, nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách, quy định pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, mà việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ cũng rất quan trọng.

Thúc đẩy việc làm tốt hơn cho người lao động
Toàn cảnh lễ ký kết. (Ảnh: Lương Hằng)

Tại Hội nghị, Giám đốc ILO tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen cũng chia sẻ: “Hiệu quả của Chương trình Better Work Việt Nam đã chứng minh việc thúc đẩy đối thoại xã hội và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động trong ngành may mặc và da giày”.

Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2023-2027, Chương trình Better Work xây dựng tầm nhìn: Ngành May mặc đã và sẽ giúp hàng triệu người thoát nghèo và giảm thiểu tác động về môi trường thông qua việc tạo ra việc làm tốt và an toàn tại các doanh nghiệp bền vững trong đó nâng cao vai trò của phụ nữ, đồng thời cả người lao động và người sử dụng lao động có thể thực hiện các quyền cơ bản của mình.

Theo biên bản ghi nhớ mới ký giữa Bộ LĐ-TB&XH, VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam, ILO và IFC, ngoài địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong giai đoạn 2023-2027, Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động tiềm năng của việc mở rộng cũng như cách thức tác động.

Trong giai đoạn mới, Chương trình Better Work Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng triển khai tại các địa bàn mới và một số ngành nghề khác ngoài dệt may, da giầy nhằm thúc đẩy việc làm tốt hơn cho người lao động.