Công khai, minh bạch, đúng đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất Đẩy nhanh hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh
Tiền hỗ trợ thuê nhà trọ vẫn chưa đến tay công nhân!
Dãy nhà trọ của công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Đợi tiền hỗ trợ quá lâu!

Dãy trọ của anh Đặng Văn Hà (SN 1991, quê Yên Bái) gồm 7 phòng ọp ẹp, ẩm thấp và xuống cấp trầm trọng. Anh thuê một phòng có giá 800.000 đồng/tháng, tường bong tróc thành từng mảng, những đốm đen xì khiến người nhìn vào gai người. Dù anh Hà đã dùng giấy dán tường nhiều lần hoặc trát ximăng để che đi nhưng vẫn không xuể.

Hơn 1 năm làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh nhận được mức lương khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Vợ anh ở quê chỉ làm ruộng, không có thu nhập nào khác ngoài vài luống rau tự trồng. Vì vậy, anh Hà dành hơn nửa tiền lương để gửi về cho gia đình chi tiêu mỗi tháng. Khi biết tin những người lao động thuê nhà trọ sẽ nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, dù không nhiều nhưng đối với anh là khoản tiền thực sự có ý.

“Đỡ được tháng tiền nhà nào nhẹ người tháng đó. Có thêm khoản tiền này cũng đỡ tiền khám bệnh, thuốc thang” - nam công nhân ngậm ngùi.

Đầu tháng 5.2022, anh được công ty phát cho tờ phiếu đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Anh Hà mừng rỡ và quyết làm cho nhanh thủ tục nộp lại cho công ty.

Lúc bấy giờ, tan làm ca đêm, NLĐ này ăn vội bát phở gói vừa pha, đặt bên cạnh tờ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà đã khai xong thông tin cá nhân. Dù đã muộn, anh Hà vẫn sang nhà chủ trọ xin chữ ký, thông tin cá nhân để sớm nộp về công ty, hoàn thành thủ tục.

Khi thấy anh Hà sang nhà xin chữ ký chủ nhà trọ, bà T. tỏ ra không mấy bất ngờ. Bởi, bà đã quen với việc thời gian gần đây, công nhân thuê trọ của bà sang xin chữ ký, thông tin của chủ nhà trọ. Tuy nhiên, bà cho hay việc này làm mất thời gian của bà vì với mỗi công ty, thời gian yêu cầu công nhân hoàn thành thủ tục lại khác nhau. Sau khi xin được xác nhận của chủ trọ và nộp lại cho công ty đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, anh Hà thông tin vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ này. Không chỉ vậy, hầu hết công nhân thuê nhà trọ ở công ty anh vẫn chưa có ai được nhận.

“500.000 đồng là đỡ được hơn nửa tháng tiền thuê trọ rồi” - nữ công nhân trẻ Bùi Thị Hảo (SN 1999, quê ở Nghệ An) vừa nấu cơm vừa nói. Phải tính từng đồng cho sinh hoạt, phần còn lại tiết kiệm gửi về cho gia đình nên chị Hảo rất mong chờ khoản tiền hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/tháng.

Được biết, chị Hảo đã nhận được 1 tháng hỗ trợ tiền thuê nhà, còn 2 tháng chị vẫn mong chờ được hỗ trợ. Phòng trọ của chị Hảo khoảng hơn 20 mét vuông, chị cùng 3 nữ công nhân khác đang chuẩn bị cho bữa trưa với một đĩa dưa góp và thịt kho.

Chị Hảo là một trong hơn 40.000 lao động của huyện Đông Anh (Hà Nội) được phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà từ Quyết định 08.

Tính đến ngày 4.7, theo báo cáo của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỉ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tính đến 10.7, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận 34.049 đơn vị với 1.849.563 NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.

Tiếp tục đôn đốc

Về thủ tục xét duyệt, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đông Anh - ông Nguyễn Đình Thanh cho biết, NLĐ có nhu cầu hỗ trợ gửi đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà về cho doanh nghiệp tổng hợp. Doanh nghiệp tổng hợp danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ, sau đó gửi danh sách này đến cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp trích nộp BHXH để xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc.

Sau khi xác nhận tình trạng tham gia BHXH của NLĐ, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện. Trong 2 ngày, đơn vị tiến hành rà soát, xác nhận, phê duyệt đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.

“Chúng tôi phê duyệt căn cứ vào tờ trình của doanh nghiệp gửi lên. Họ đã tổng hợp, nhưng chúng tôi phải thực hiện đối chiếu giữa giấy tờ đề nghị của NLĐ với hợp đồng trong mẫu biểu. Nhiều thông tin bị lệch, không đúng nhưng phải loại hồ sơ. Nhưng số lượng hồ sơ không đủ điều kiện rất ít. Hầu hết các hồ sơ đều được phê duyệt” - ông Thanh nói.

Vừa qua, đơn vị có ngày phải xử lý, phê duyệt lên đến 15.000 hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ. Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đông Anh cho biết, các cán bộ phải căng mình, làm việc đến 20-21 giờ để đáp ứng quy định về thời gian phê duyệt. Đến nay, đã qua thời gian “cao điểm” và số hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ đang giảm dần.

So với dự kiến 3,4 triệu lao động sẽ nhận hỗ trợ tương ứng 6.600 tỉ đồng, tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ rất chậm.

Theo Bộ LĐTBXH, một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp là các địa phương chờ kinh phí từ Trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện. Để tháo gỡ, Thủ tướng quyết định cấp 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện chính sách.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho rằng, Bộ đã đông đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà bằng văn bản, gọi điện trực tiếp và đi kiểm tra. Trong quá trình triển khai không có gì vướng mắc, chỉ là địa phương nào hiểu chưa kỹ thì Bộ đã có hướng dẫn, trả lời.

Theo Thư Hạnh/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/tien-ho-tro-thue-nha-tro-van-chua-den-tay-cong-nhan-1068453.ldo