Thăng trầm nghề xích lô du lịch giữa lòng phố biển Nha Trang Du xuân tại ngôi chùa tuyệt đẹp nơi phố biển Sắc xuân trên làng nghề làm nhang nức tiếng tại Khánh Hòa

Vàng son một thuở

Một buổi chiều tháng 2, giữa dòng xe tấp nập vội vã, chúng tôi bất ngờ bắt gặp hình ảnh một sạp báo giấy vẫn đang hoạt động trên vỉa hè tại đường Thống Nhất (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). Bởi, ngày nay việc tìm kiếm được một sạp báo hay người đọc báo giấy là điều không hề dễ dàng.

Bước tới gần sạp báo giấy, chúng tôi nhìn thấy những số báo mới nhất được phát hành từ nhiều cơ quan báo chí được bày bán trên kệ. Tiếp đón chúng tôi là chị Trương Thị Thùy Trâm, người gắn bó với nghề bán báo giấy cũng được ngót nghét 23 năm.

Kể về chuyện nghề, chuyện đời của mình, chị cho biết, chị sống tại huyện Diên Khánh cách thành phố Nha Trang khoảng 20km. Đều đặn mỗi ngày, cứ từ 5 giờ sáng là chị đã mở quầy và cứ 18h00 tối mới đóng sạp báo về nhà nghỉ ngơi.

Chị Thùy Trâm tỉ mỉ, sắp xếp lại các tờ báo. (Ảnh: Hương Thảo)
Chị Thùy Trâm tỉ mỉ, sắp xếp lại các tờ báo. (Ảnh: Hương Thảo)

Đưa ánh mắt xa xăm, chị tiếp tục kể, khoảng chục năm về trước, lúc đó là thời hoàng kim của báo giấy. Ngày ấy, dạo quanh các con phố vào mỗi buổi sáng, sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những vị khách thong thả ngồi đọc báo giấy để cập nhật thông tin hằng ngày ngay cạnh sạp. Hay hình ảnh các bác xích lô, xe thồ trong lúc chờ đợi khách thì nhâm nhi từng ngụm cà phê, rồi chăm chú độc số báo mới xuất bản. Tất cả đã trở thành một nét đẹp văn hóa và vô cùng độc đáo của thành phố biển.

Và sạp báo của chị cũng là một trong những địa điểm được nhiều người tin cậy, tìm đến: “Thời điểm đó, báo giấy như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân sau mỗi sáng thức dậy. Sạp báo của tôi bán cả chục đầu báo các loại, luôn được bán hết trong ngày rất nhanh chóng. Nhờ vậy mà tôi có kinh phí trang trải nuôi con ăn học”, chị Trâm nói.

Đến khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, điện thoại smartphone được sử dụng nhiều thì nguồn thu nhập từ công việc bán báo của chị cũng mất đi đáng kể, còn những vị khách cũng dần thưa thớt đi.

Mặc dù chị vẫn biết, mọi thứ đều phải thay đổi theo dòng chảy thời gian, nhưng chị vẫn không tránh khỏi giây phút chạnh lòng, xót xa và lưu luyến cho nét văn hóa đẹp một thời.

Bám trụ với nghề

Thấu hiểu những đổi thay của thời cuộc nhưng với lòng yêu nghề, chị Trâm vẫn gìn giữ, duy trì sạp báo này như một nét văn hóa để tiếp tục phục vụ những vị khách quen thuộc, chỉ cần nhìn thấy khách hàng của mình, chị đã biết họ cần, muốn và đọc những gì mà không cần họ mở lời.

“Lợi nhuận bán báo cũng thấp lắm, mỗi tờ báo bán ra tôi chỉ lời khoảng 500 đến 600 đồng thôi. Có khi các báo ngày bán không hết thì chịu lỗ thôi. Những số báo không bán hết thì tôi sẽ lưu lại để dành khi nào khách cần kiếm số báo cũ tôi sẽ cung cấp cho họ”, chị Trâm trải lòng.

Lượng người mua báo ít nên sạp báo của chị Trâm cũng giảm số lượng đi một nửa. (Ảnh: Hương Thảo)
Lượng người mua báo ít nên sạp báo của chị Trâm cũng giảm số lượng đi một nửa. (Ảnh: Hương Thảo)

Nhiều vị khách thuộc lứa tuổi trung niên cho rằng đọc báo giấy có cái thú vị riêng, thêm nữa có thể lưu lại những bài viết mà mình thích để làm tư liệu hoặc để tặng.

“Đã thành thói quen nhiều năm, mỗi buổi sáng dù thời tiết có “đỏng đảnh” đến mấy thì tôi vẫn phải ra sạp báo giấy quen thuộc để mua báo về đọc, có như thế tôi mới thấy cuộc sống giá trị và ý nghĩa”, bác Trung Kiên (60 tuổi) cho biết.

Chẳng biết lúc nào thì những người bán báo giấy giữa lòng phố biển này như chị Trâm sẽ bỏ nghề. Cũng chẳng biết trong nhiều năm nữa liệu rằng các sạp báo còn tồn tại hay sẽ vắng bóng. Nhưng hiện tại những người bán báo giấy như chị Trâm và những độc giả trung thành của báo chính là những người đã ở lại và chứng kiển sự đổi thay từng ngày của báo giấy. Và cũng chính họ đã góp phần để lại những giá trị “một thời vàng son” trong dòng chảy của thời gian.