Tỉnh Quảng Nam ý kiến vị trí 3 nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao qua địa bàn
Quảng Nam: Dự kiến tổ chức Lễ hội Sâm Quốc gia lần thứ nhất vào tháng 8/2023 Đất nền và căn hộ ở Đà Nẵng không có nguồn cung mới, giao dịch ảm đạm |
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ý kiến về hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, về hướng tuyến, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chọn hướng tuyến theo đề xuất tại Công văn số 4751 ngày 24/8/2018 (công văn đã gửi Bộ Giao thông vận tải). Theo UBND tỉnh, vì phương án này đã được thống nhất đề xuất trước đây, hạn chế ảnh hưởng đến dân cư, quy hoạch phát triển đô thị khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan chủ động liên hệ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam để được cung cấp các hồ sơ quy hoạch liên quan theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về vị trí nhà ga, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 83km, thống nhất bố trí 3 nhà ga như đề xuất của đơn vị tư vấn nhưng có điều chỉnh vị trí nhà ga và theo thứ tự ưu tiên như sau:
Ga Quảng Nam 1 hồ sơ đề xuất tại Thăng Bình, đề nghị điều chỉnh vào thành phố Tam Kỳ, khu vực gần với trục đường Quốc lộ 40B (có nút liên thông với đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), phục vụ kết nối các tỉnh Tây Nguyên, các huyện Tây Nam của tỉnh và thành phố Tam Kỳ.
Ga Quảng Nam 2 hồ sơ đề xuất của Tư vấn thiết kế tại xã Tam Xuân, đề nghị dịch chuyển về phía Nam đến xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, khu vực gần với trục đường Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, phục vụ kết nối Khu Kinh tế mở Chu Lai, Cảng hàng không Chu Lai và cảng biển Quảng Nam, như ý tưởng của Tư vấn thẩm tra.
Còn Ga Hội An đặt tại thị xã Điện Bàn, khu vực gần các trục đường ngang ĐT.608, ĐT.609 (có nút liên thông với đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), phục vụ kết nối giữa các huyện phía Bắc của tỉnh, đô thị cổ Hội An, như ý tưởng của Tư vấn thẩm tra.
“Vì địa hình tỉnh Quảng Nam chủ yếu là đồi núi hoặc vùng đồng bằng ven biển thường ngập lụt, do đó, kiến nghị nghiên cứu phương án thiết kế chủ yếu là hầm chui qua núi, cầu cạn hoặc cầu vượt lũ để hạn chế ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, cản trở dòng chảy và lưu thông của địa phương khi cắt ngang qua tuyến đường sắt tốc độ cao”, UBND tỉnh Quảng Nam ý kiến.
Bình luận