Đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh Giám sát hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản để ngăn rủi ro Thị trường bất động sản TP.HCM: Tiếp tục "vắng bóng" căn hộ bình dân

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa lên kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn năm 2022.

Theo đó, đối tượng kiểm tra là các sàn giao dịch bất động sản được đăng tải trên thông tin của Sở Xây dựng TP.HCM đến ngày 30/9/2022. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào điều kiện thành lập sàn giao dịch theo; việc công khai thông tin, nội dung công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh. Nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản như giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, tổ chức bán, chuyển nhượng, giới thiệu, niêm yết, cung cấp công khai thông tin, đàm phán và ký kết hợp đồng…

Danh sách kiểm tra đợt này gồm có 61 sàn giao dịch, trong đó địa bàn tập trung nhiều sàn giao dịch nhất gồm thành phố Thủ Đức (13 sàn), quận Bình Thạnh (7 sàn)…

Trước đó Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg trong đó chỉ rõ nhiều tồn tại hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản như cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, giá sản phẩm bất động sản nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch. Hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; việc phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, trình tự thủ tục đầu tư còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma”, các vụ việc lừa đảo khách hàng, mặt khác nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thông tin về thị trường bất động sản, đồng thời xảy ra tình trạng thất thu thuế, thất thu cho ngân sách nhà nước; công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý....

TP.HCM: Lên kế hoạch kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản
TP.HCM sẽ kiểm tra hoạt động các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành liên quan trong đó Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật. Kiểm tra, rà soát các chỉ tiêu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phù hợp về quy hoạch đất của các ngành nghề, lĩnh vực đảm bảo hài hòa hợp lý, tránh chồng lấn, phát sinh khiếu kiện.

Bộ Công an, chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi trốn thuế, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Trong khi đó, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ cho 18 dự án nhà ở

Sở Xây dựng TP.HCM vừa kiến nghị UBND thành phố kiến nghị các Bộ ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc cho 18 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố liên quan đến thẩm quyền của các Bộ ngành.

Trong 18 dự án nói trên, trong thẩm quyền được quy định, TP.HCM đã tập trung chỉ đạo và thực hiện lễ động thổ, khởi công và khánh thành 8 dự án gồm dự án chung cư 251 Hoàng Văn Thụ, chung cư Thanh Đa, nhà ở Nguyễn Sơn, khu dân cư Long Trường, nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung, chung cư 23 Lý Tự Trọng, khu dân cư Tân Thuận, khu nhà ở phường Phú Hữu.

Hiện còn 10 dự án đang giải quyết, thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (1 dự án), còn lại là trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu chết xuất và công nghiệp, UBND quận 1.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao Văn phòng UBND Thành phố đôn đốc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo tiến độ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo tiến độ thực hiện thủ tục giao đất.