TP.HCM thông qua 5 dự án BOT theo Nghị quyết 98
Ngày 19/9, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT là một trong những cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023. Theo đó, có 5 dự án được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2023- 2028 với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Quốc lộ 1 (đoạn từ Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km được mở rộng lên 52-60m. Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài 9,1km được mở rộng lên 60m. Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài gần 6km được mở rộng lên 53-60m. Trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành) dài 8km được mở rộng 60m. Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2km được rộng 30-40m.
HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT. Ảnh: Thành Nhân |
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện các dự án nêu trên đảm bảo đúng kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác liên quan.
HĐND TP.HCM đề nghị thực hiện các dự án BOT trên đường hiện hữu cần thông tin công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát.
Trước đó, UBND TP.HCM đề xuất bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (dự kiến 8.360 tỉ đồng), kế hoạch đầu tư công năm 2023 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỉ đồng).
Toàn cảnh kỳ họp. |
Theo UBND TP.HCM, tình hình thực hiện các công trình giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.
Trong đó các tuyến đường phố chính đô thị, đường trên cao chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Các tuyến quốc lộ (được Bộ Giao thông Vận tải có quyết định chuyển thành đường đô thị) đóng vai trò trục hướng tâm và hiện là các cửa ngõ chính ra vào thành phố nhưng chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng theo quy mô quy hoạch.
Vừa qua, TP.HCM đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác năm dự án áp dụng loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng. Trong đó có dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1); dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc); dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn)…
Các dự án khi hoàn thành giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.
Bình luận