TRỰC TUYẾN: Các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen TRỰC TUYẾN: Giải đáp những chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội |
Tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động (NLĐ) và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội gồm: Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại, giao lưu |
Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì; bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban dân dận Huyện ủy Thanh Trì; ông Nguyễn Danh Huy, Huyện ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô. Cùng hơn 300 đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.
Công nhân lao động tham gia cuộc Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
8h30: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của tổ chức Công đoàn nhằm giúp người lao động có thể giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động, xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Có nắm rõ pháp luật thì người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định phát triển doanh nghiệp.
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu. |
Với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của mình, trong nhiều năm qua, báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến dành cho người lao động. Bên cạnh những vấn đề về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, nội dung trao đổi, đối thoại cũng sẽ đề cập đến một trong những vấn đề đang rất nóng trong xã hội, nhất là với công nhân lao động, đó là nạn tín dụng đen. Vấn nạn đang âm thầm bòn rút tâm sức của không ít người lao động.
“Đồng hành với chúng tôi trong buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay là các luật sư, chuyên gia về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và an ninh kinh tế. Ban tổ chức hy vọng và mong muốn các đoàn viên, công nhân viên chức lao động đang có mặt ở hội trường hãy nêu nhiều câu hỏi trực tiếp, các bạn đọc ở xa sẽ gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia của chúng tôi để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích”, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
8h35: Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Danh Huy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì cho biết: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Thanh Trì, phong trào Công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn huyện Thanh Trì đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị của huyện.
Ông Nguyễn Danh Huy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu. |
Tổ chức Công đoàn đã không ngừng phát huy vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong công nhân viên chức lao động, tổ chức phát động các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rộng rãi trong công nhân viên chức lao động ... Hoạt động của các cấp công đoàn huyện đã thể hiện được vị trí, vai trò, bản lĩnh của giai cấp công nhân, có sức lan tỏa trong công nhân viên chức lao động.
Một trong những chức năng của tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đoàn viên và người lao động. Tìm hiểu pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động công đoàn. Điều này có ý nghĩa quan trọng, do đó việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, đoàn viên công đoàn và người sử dụng lao động là rất cần thiết thông qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại, giao lưu |
“Để công tác tuyên truyền phổ biến những chế độ chính sách mới liên quan đến người lao động, về phòng chống tín dụng đen có hiệu quả thiết thực, đúng như mục tiêu đặt ra, tôi đề nghị các đồng chí cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động có mặt tại hội nghị hôm nay hãy thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để được trả lời giúp đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ và tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực thi tốt chính sách pháp luật. Đồng thời mong muốn các chuyên gia sẽ trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất về những biện pháp phòng tránh tín dụng đen và những chính sách liên quan đến công chức, viên chức, người lao động đang quan tâm”, ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Ban tổ chức tặng hoa các đồng chí chuyên gia tham dự buổi Đối thoại, giao lưu |
8h45: Bắt đầu phần giải đáp câu hỏi của người lao động và bạn đọc
Các chuyên gia tham gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của người lao động và bạn đọc |
Chị Ngô Thị Lý - Cty CP thiết bị công nghệ Tân Phát hỏi: Công ty tôi có 1 công nhân trước làm Công ty nhà nước và ở vị trí là công nhân tiện, cắt kim loại, chức danh là ngành nghề độc hại. Người công nhân này làm hơn 16 năm sau đó mới chuyển qua làm ở công ty tôi. Tuy nhiên, khi chốt sổ BH ở công ty cũ (từ 1990 – 2004) bên Bảo hiểm chốt sổ với chức danh công việc chỉ là “công nhân” chung chung. Chỉ từ 2004 – 2006 mới ghi rõ chức dnah tiện, cắt kim loại. Vậy trong khoảng thời gian hơn 15 năm làm nghề độc hại, bên BH chỉ ghi là “công nhân” thì anh này có được hưởng các chế độ liên quan khi nghỉ hưu không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thứ nhất, việc cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải do cơ quan BHXH tự cấp và tự ghi mà xuất phát từ đơn vị với tờ khai ghi rất cụ thể. Nếu đơn vị chỉ đề nghị là công nhân thì chỉ là “công nhân” thì trong sổ BHXH ghi là “công nhân”. Nếu không ghi nghề nghiệp trong danh mục độc hại thì dĩ nhiên sẽ không được tính các điều kiện liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Đề nghị đơn vị lấy hồ sơ gốc, cùng các tài liệu liên quan để đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh chức danh nghề, anh công nhân này mới được hưởng và điều chỉnh các chế độ liên quan.
Chị Trần Thị Mai Hương, giáo viên trường mầm non B Thanh Liệt hỏi: Lương giáo viên hiện nay khá thấp, do đó có rất nhiều nhu cầu để tiếp cận các nguồn tín dụng, xin các chuyên gia cho biết Nhà nước hiện nay có các nguồn tín dụng nào để chúng tôi có thể tiếp cận để vay vốn?.
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Hiện nay tổ chức Công đoàn có những khoản vay ưu đãi dành cho người lao động để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Để vay vốn từ quỹ, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục. Người lao động nên hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng.
Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Đại diện Công đoàn trường Mầm non Tả Thanh Oai hỏi: Xin chuyên gia cho biết trong những trường hợp nào thì NLĐ được nghỉ và vẫn được hưởng nguyên lương?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo Quy định của Bộ luật Lao động 2019, những trường hợp nghỉ mà vẫn được hưởng nguyên lương chính là nghỉ ngày lễ theo quy định của Nhà nước. Đối với những ngày nghỉ việc riêng sẽ có các trường hợp: Cưới được nghỉ 3 ngày, hiếu tứ thân phụ mẫu được nghỉ 1 ngày. Ngoài ra, trong quá rình thực hiện trách nhiệm quyền lợi của NLĐ, tại doanh nghiệp sẽ có những ngày nghỉ hàng năm căn cứ theo Hợp đồng lao động nghỉ 12-16 ngày nghỉ phép nghỉ nguyên lương.
Người lao động nêu các câu hỏi về chính sách pháp luật với các chuyên gia |
Chị Hoàng Thu Huyền, Trường Tiểu học Yên Xá hỏi: Anh bảo vệ ở trường tôi đã đóng BHXH được 10 năm, hiện anh đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi xin hỏi chuyên gia, anh ấy sẽ được hưởng những chế độ gì theo quy định?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Luật BHXH, tất cả người lao động đóng BHXH đều được hưởng nhiều chính sách. Với trường hợp này, anh ấy có thể hưởng chế độ ốm đau dài ngày, cụ thể được nghỉ tối đa 180 ngày, tính cả thời gian nghỉ lễ, nghỉ Tết hay nghỉ hàng tuần.
Nếu đã nghỉ hết 180 ngày nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn đươc hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, mức hưởng sẽ thấp hơn và thời gian hưởng tối đa sẽ bằng thời gian người lao động đó đã đóng BHXH bắt buộc. Ngoài ra, anh ấy có thể chấm dứt hợp đồng lao động và đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đối với người lao động bệnh nặng, gia đình cũng có thể làm chế độ tử tuất (giống BHXH 1 lần) mà vẫn đảm bảo những quyền lợi khác.
Một đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Ngọc Hồi hỏi: Bạn tôi mới tham gia BHXH bắt buộc được 7 tháng, nhưng không may bị đột quỵ vừa qua đời. Vậy cho tôi hỏi thân nhân của lao động này có được hưởng chế độ gì từ BHXH hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp này tôi xin thông tin như sau, với lao động mới tham gia BHXH được 7 tháng thì 10 tháng lương cơ sở bạn này sẽ không được nhận. Thay vào đó, bạn này sẽ được nhận chế độ tuất 1 lần bằng 3 tháng lương cơ sở. Tôi cũng xin thông tin thêm để bạn đọc nắm được, hiện trong Dự thảo Luật BHXH đang lấy ý kiến người dân, việc quy định 12 tháng tham gia BHXH mới có thể được hưởng chế độ tuất thì sẽ được bỏ. Đây là điểm mới. Tôi xin thông tin thêm để bạn nắm rõ.
Chị Đặng Thị Ngọc Mơ, giáo viên trường Mầm non A xã Tứ Hiệp hỏi: Tôi xin hỏi vay tiền qua app trên điện thoại, nếu không trả thì có vấn đề gì không?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Hiện nay trên mạng có những hội nhóm bùng app, vay bằng các loại giấy tờ giả. Tuy nhiên đã vay thì phải trả, vay không trả về mặt đạo lý là không tốt, về pháp luật sẽ phụ thuộc vào người vay chiếm đoạt bao nhiêu tiền của người cho vay, nếu không trả có thể vi phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào các học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý, và đã tìm đến nguồn vay không chính thống. Do đó việc nhận diện các hiểm họa từ tín dụng đen là điều cần thiết.
Chị Ngô Thị Thúy Ngọc hỏi: Công ty CP môi trường đô thị Thanh Trì hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trong trường hợp dính vào tín dụng đen và bị khủng bố tinh thần thì phải làm gì?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Trên thực tế chưa có văn bản pháp lý nào quy định thế nào là “tín dụng đen”, mà nó là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao ở mức “cắt cổ”. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% khoản vay đó, nếu vượt quá 5% trở lên mức 20% này là có dấu hiệu vi phạm bộ luật hình sự.
Đặc điểm nhận diện của “tín dụng đen” có thể nói, đó chính là loại hình cho vay không chính thức và lấy lãi rất cao, không cần tài sản thế chấp. Đây là hình thức cho vay tín chấp, thủ tục giải ngân vô cùng nhanh, khoảng 10-20 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn thường tính theo ngày. Tuy nhiên, do người vay không có tài sản thế chấp nên các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ, mạng xã hội,… Nhiều người do túng quẫn đã thực hiện mọi yêu cầu của bên cho vay. Khi đến hạn nếu không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới,… khiến người vay rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi. Nhiều người đã phải đi vay ở app này để trả nợ cho app khác, vướng sâu vào nợ nần không lối thoát.
|
Phải khẳng định rằng, tín dụng đen là những hợp đồng cho vay bất hợp pháp, cho nên các đối tượng sẽ lách luật, không ghi rõ vào hợp đồng cho vay, nhưng các khoản thu phụ phí lại rất cao, đó là hình thức che đậy của lãi suất cao. Vì vậy, các đối tượng sẽ cắt phí ngay khi giải ngân. Ví dụ vay 100 triệu sẽ chỉ nhận được 70 triệu, còn 30 triệu sẽ bị bên cho vay cắt lãi trước.
Với lãi suất không được pháp luật thừa nhận, khi nợ đến hạn, các đối tượng sẽ sử dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép để đòi nợ. Ví dụ như gọi điện, khủng bố mạng, làm phiền các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại của người vay nợ; quấy nhiễu và quấy rối cả những người không hề liên quan đến khoản nợ này. Truy cập tài khoản mảng xã hội, gán ghép hình ảnh gợi cảm để đưa lên mạng, tung lên các tài khoản của nhóm đòi nợ, tấn công về mặt danh dự nhân phẩm.
Hình thức đòi nợ thứ 2 là sử dụng các nhóm đòi nợ thuê đi siết nợ. Từ lúc công nghệ phát triển, hình thức cho vay qua app rất phổ biến. Người lao động chủ yếu vay trên ứng dụng điện thoại. Tín dụng đen len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Các đối tượng tiếp thị ở khắp nơi mà người lao động thì có rất nhiều nhu cầu về tiền. Buộc phải đi vay tín dụng đen.
Khi bị các đối tượng sử dụng biện pháp bất hợp pháp khống chế thì phải làm thế nào? Trước tiên đã đi vay thì phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn. Nếu không trả được nợ, tuyệt đối không vay từ app này để trả nợ cho app khác. Nếu bị de dọa, phải ghi lại các bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng.
Nhiều đường dây cho vay nặng lãi vừa qua đã bị triệt phá, đó là từ các đơn trình bào của người dân. Vậy chúng ta phải lưu lại bằng chứng và có niềm tin với pháp luật. Trường hợp bị quấy rối làm nhục trên mạng, phải lưu lại bằng chứng, nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, gửi các bằng chứng đến cơ quan công an.
Chị Phạm Thị Hường, Trường THCS Vạn Phúc hỏi: Tôi có 1 bạn là giáo viên công tác hơn 10 năm, bị tai nạn lao động (TNLĐ) và nghỉ ốm dài ngày. Lương của trường hợp này có được hưởng 100% không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu trong thời gian người lao động bị TNLĐ nghỉ để điều trị thì đơn vị sử dụng lao động phải trả nguyên lương cho người lao động. Tôi hiểu rằng lao động này đã được xác định là TNLĐ thì đơn vị phải có trách nhiệm trả nguyên lương, các chi phí điều trị… Ngoài ra, với trường hợp xác định là TNLĐ và được hưởng nguyên lương thì không giải quyết chế độ ốm. Hiện nhiều đơn vị nhầm lẫn giữa nghỉ TNLĐ và nghỉ ốm. Nghỉ ốm sẽ được hưởng 75% lương và nghỉ ốm thường. Trong trường hợp đơn vị đã thanh toán chế độ nghỉ ốm thường thì phải hoàn trả số tiền này cho cơ quan BHXH thì mới được thanh toán chế độ TNLĐ.
Chị Nguyễn Thị Hải Huyền, Trường Tiểu học Tứ Hiệp hỏi: Từ năm 2009 - 2011 tôi tham gia đóng bảo hiểm tại Công ty TNHH Phú Cường, tháng 3/2011 thì tôi chuyển công tác về trường học, hết tháng 2 tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty nhưng Công ty quên báo giảm, vẫn đóng bảo hiểm tháng 3, khi đó tại trường học cũng đóng bảo hiểm. Năm 2018, trường học có chốt bảo hiểm thì báo không chốt được do bị thừa tháng 3, yêu cầu phải thoái thu tháng 3 tại Công ty Phú Cường. Tôi đã liên hệ Công ty để thoái thu, trước đây Công ty Phú Cường đóng bảo hiểm tại quận Hoàng Mai, thời điểm hiện tại Công ty Phú Cường đã chuyển sang quận Hai Bà Trưng, hiện tại cả bảo hiểm quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng đều từ chối giải quyết thoái thu vì những lý do khác nhau. Xin hỏi giờ tôi có thể làm thoái thu ở đâu, thủ tục như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Kim Ngát - Giáo viên Trường mầm non Ngọc Hồi hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này phải làm thoái thu ở quận Hai Bà Trưng, thủ tục thoái thu phải có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định, hiện nay đơn vị đang đóng BHXH ở quận, huyện nào thì quận, huyện đó phải điều chỉnh tất cả những việc phát sinh trước, trong và sau. Trên hệ thống phần mềm, tất cả các dữ liệu đều đi theo, quận Hoàng Mai không thể thực hiện thoái thu được vì hiện nay đã đóng mã bảo hiểm, đơn vị chuyển sang quận, huyện khác quản lý do đó không thể xử dụng dữ liệu của quận, huyện khác để xử lý.
Anh Nguyễn Công Hoan, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển hỏi: Ở trường tôi có một cô giáo, là viên chức, đã tham gia BHXH được 9 năm, đến năm ngoái cô làm đơn xin nghỉ việc. Tôi xin hỏi các chuyên gia, với một cô giáo đã tham gia BHXH như vậy thì có được hưởng chính sách gì không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trường hợp này sẽ căn cứ theo quy định của Luật Viên chức để giải quyết. Cụ thể: Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau: Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức; Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức; Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Thủ tục giải quyết thôi việc: Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì đồng thời phải giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.
Chị Phạm Phương Oanh, Công ty cổ phần Thiết bị Tân Phát hỏi: Công ty em có trường hợp người lao động có 2 sổ BHXH, người lao động này đã làm chế độ hưởng 1 lần của 1 sổ; sau đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn thu hồi lại số tiền đã nhận. Còn 1 sổ nữa nhưng không chốt được và cũng không đóng được sổ mới ở công ty tôi. Xin hỏi chuyên gia, người lao động này cần phải làm gì?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này vi phạm về điều kiện hưởng. Để giải quyết, người lao động này hoặc đơn vị bạn phải làm thủ tục gộp sổ BHXH, lấy số sổ BHXH đầu tiên để tiếp tục đóng.
Chị Bùi Thị Thơm, Công ty Cổ phần thiết bị Tân Phát: Khi người lao động đã đóng đủ 20 năm BHXH nhưng do sức khỏe không làm đủ năm công tác, thì NLĐ có được nghỉ hưu sớm không và lương hưu được tính thế nào?
Chuyên gia trả lời câu hỏi tại buổi đối thoại. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu đã có những thay đổi. Chúng ta cũng biết, từ năm 2021 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. Do vậy, theo Nghị định 135 nếu suy giảm lao động 61% thì có quyền nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi. Ví dụ năm nay đối với nam là 60 tuổi 9 tháng, nếu về hưu trước 5 tuổi sẽ là 55 tuổi 9 tháng. Cứ như thế chúng ta sẽ tính được tuổi nghỉ hưu.
Theo Luật BHXH, đối với người nghỉ hưu sẽ dựa trên 2 điều kiện, đó là tuổi đời và số năm đóng BHXH. Về số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm. Tuổi đời thì sẽ lấy năm tối đa trừ đi 5 năm (trừ những trường hợp đặc biệt về sức khỏe hoặc môi trường làm việc, một số trường hợp có quy định riêng liên quan đến bệnh HIV,… ).
Về cách tính, đối với nữ thì 30 năm thì mới được hưởng 75%, đối với nam là 35 năm với được hưởng 75%. Do vậy đối với nam, nếu nghỉ hưu khi đóng BHXH 20 năm, nếu chưa đủ tuổi về hưu thì sẽ còn 45%; đối với nữ là 15 năm. Ngoài điều kiện này, thì mỗi năm về hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%. Cụ thể, nếu nam đóng BHXH 20 năm, về hưu trước tuổi 5 năm thì mỗi năm sẽ bị trừ 2%, chỉ còn 35%. Như vậy lương hưu rất ít. Do vậy, chúng tôi khuyên rằng nên đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Chị Nguyễn Thu Huyền, Trường Tiểu học A, Thị trấn Vân Điển nêu: Xin hỏi các chuyên gia làm thế nào để lan toả các câu chuyện về tín dụng đen để mọi người cùng biết?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Tôi đồng ý với chị, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông và thay đổi hành vi. Khi tội phạm xảy ra thì chi phí xử lý tốn kém, bởi vậy phòng ngừa chủ động là hết sức quan trọng. Lực lượng lao động ở các tỉnh phía Nam, hoạt động truyền thông về tín dụng đen được đẩy mạnh. Với công tác phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, hiện nhiều lao động đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Tội phạm công nghệ cao được xếp ở mức tương đương với tội phạm liên quan đến hạt nhân. Hiện nay người dân phải đối mặt với các trò lừa đảo trên mạng hàng ngày. Bởi vậy, người lao động cần hiểu, trên mạng sẽ có lừa đảo mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản và loại cuối cùng là kết hợp của 2 loại trên.
Chuyên gia Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an |
Chúng ta cần có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Trong đó, không dễ tin bất cứ điều gì đọc được, thấy được, nghe được trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại; rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng các nguồn khác nhau; nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự để đúc rút ra những kinh nghiệm phòng chống; khi xảy ra lừa đảo cần có trình báo ra cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra cộng đồng để có những cảnh báo và lan tỏa để phòng ngừa chủ động tội phạm.
Ý thức cảnh giác là “bức tường lửa” trong thời buổi hiện nay, chúng ta cần phải thận trọng, và hết sức cảnh giác.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Trường THCS Vũ Hòa hỏi: Hợp đồng lao động chưa hết thời hạn nhưng người sử dụng lao động và người lao động muốn bổ sung thêm một số nội dung, vậy có cần ký hợp đồng lao động mới không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định Bộ Luật Lao động năm 2019 trong quá trình giữa người lao động và người sử dụng lao động xác lập quan hệ lao động thông qua hợp đồng, có thể một trong các bên hoặc cả hai bên có thể căn cứ điều kiện thực tế của công việc để có thể điều chỉnh các nội dung của Hợp đồng lao động.
Người lao động theo dõi nội dung trực tuyến trên Báo Lao động Thủ đô điện tử |
Có các phương thức: Điều chỉnh 1 hoặc 1 số nội dung Hợp đồng lao động có thể ký Hợp đồng mới hoặc có thể ký phụ lục. Khi thống nhất thời gian ký phụ lục Hợp đồng lao động thì một trong các bên phải thông báo trước 3 ngày để các bên thống nhất các nội dung cần sửa, bổ sung trong Hợp đồng. Phụ lục Hợp đồng là một bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng chính.
Chị Đặng Thị Minh Nguyệt, Công ty cổ phần Thiết bị Công nghệ Tân Phát hỏi: Người lao động khi tham gia giao thông từ nhà đến công ty để làm việc mà bị tai nạn thì có được coi là TNLĐ hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trước hết, chúng ta phải xác định thế nào là TNLĐ. Tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Người lao động bị tai nạn giao thông trong khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc và trên tuyến đường thường xuyên đi từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc được coi là TNLĐ.
Nếu người lao động vi phạm về mặt thời gian hoặc địa điểm tai nạn theo quy định nêu trên thì không được coi là TNLĐ và không được hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp này thân nhân người lao động chỉ có thể yêu cầu người gây tai nạn giao thông bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Nếu người công nhân bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về (trong khoảng thời gian cần thiết để trở về sau giờ làm việc và trên tuyến đường thường xuyên đi từ nơi đi từ nơi thường trú hoặc nơi đăng kí tạm trú đến nơi làm việc) thì được coi là TNLĐ.
Chị Nguyễn Thị Thu, Công ty Môi trường đô thị Thanh Trì hỏi: Cơ quan bảo hiểm xã hội có chính sách gì để hấp dẫn NLĐ tham gia BHXH?
Chuyên gia Dương Minh Châu: Cơ quan BHXH là cơ quan thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành. Vì vậy chúng tôi không có quyền ban hành văn bản để khuyến khích, tuy nhiên, chúng tôi thực hiện các đề nghị, kiến nghị để các đơn vị có liên quan có hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.
Ví dụ, khi tham gia BHXH tự nguyện, theo Nghị định 134 thì Chính phủ sẽ hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác khi tham gia BHXH tự nguyện. Chúng tôi cũng tham mưu với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết 03 từ năm 2022 sẽ hỗ trợ thêm một phần như vậy của Nhà nước nữa. Tức là người nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được hỗ trợ 60%, hộ cận nghèo là 25% và các đối tượng khác là 20% trên quy định về chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, một số quận, huyện, thị xã cũng đã đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hỗ trợ thêm một số hộ nghèo. Nhiều địa phương có cách hỗ trợ của riêng mình, tùy theo địa phương, tùy nguồn ngân sách. Nhiều Ủy ban nhân dân huyện, thị xã… đã rất quan tâm đến vấn đề này. Mong rằng tỷ lệ bao phủ ngày càng rộng hơn.
Chị Hà - Công ty CP Thiết bị Tân Phát hỏi: Bạn của tôi có đóng BHXH từ 2019 đến hết tháng 2/2023, sau tháng 3 và tháng 4 bạn có chuyển công tác nhưng vì nhiều lý do và không tham gia BHTN. Đến tháng 5 bạn làm ở công ty mới và trong HĐLĐ có thỏa thuận là 3 tháng thử việc sẽ không đóng BH. Đến tháng 6 thì bạn có bầu và xin Công ty cho đóng BHXH, Công ty ái ngại đây là lý do trục lợi bảo hiểm nên không đóng vào thời điểm đó. Đến tháng 8 mưới bắt đầu đóng BHXH. Bạn dự sinh là đầu tháng 2/2024 thì sẽ đủ 6 tháng đóng liên tiếp, vậy nếu bạn sinh sớm hơn dự kiến thì bạn tôi có được hưởng chế độ BHXH liên quan đến thai sản không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc đầu tiên bạn ấy đang sai. Bạn cần phải hiểu HĐLĐ 1 tháng là bắt buộc phải tham gia BHXH, không có quy định nào thỏa thuận về việc không đóng BHXH. Bạn này cần phải về đơn vị và yêu cầu đơn vị đóng Trường hợp này phải đóng từ tháng 5. Trường hợp này chị ấy dự kiến sinh vào đầu tháng 1 sẽ không đủ điều kiện hưởng BHXH bởi quy định là phải đóng đủ BHXH 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh thì mới được hưởng BHXH.
Một bạn đọc tại Khu Công nghiệp Nam Thăng Long gửi câu hỏi: Hiện nay, có nhiều trường hợp người dân bị các tổ chức tín dụng đen lừa, dẫn đến nợ nần, phá sản. Vậy tôi muốn hỏi những người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào?
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Thời gian qua, tình trạng tín dụng đen hoành hành và diễn biến phức tạp, hình thức cho vay là tín chấp, với cách thức giải ngân nhanh. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó. Nếu trường hợp lãi suất cho vay quá 5 lần mức 20%/năm là cấu thành tội cho vay lãi nặng.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an quyết tâm xử lý mạnh tín dụng đen và đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Hiện giờ “tín dụng đen mặt đất” đã được ngăn chặn, tuy nhiên, tín dụng đen trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp và Bộ Công an đang đẩy mạnh xử lý.
Pháp luật có những thiết chế cụ thể để bảo vệ người dân, bởi vậy người dân cần tỉnh táo và nhờ cậy các cơ quan chức năng khi bị tín dụng đen khủng bố.
Chị Nguyễn Thị Xuân, Công đoàn khối doanh nghiệp hỏi: Một vài năm gần đây có rất nhiều trường hợp người đóng bảo hiểm có ý định rút bảo hiểm 1 lần vì họ cảm giác có thiệt thòi khi so sánh nhận lương hưu với nhận 1 lần? về mặt Công đoàn xin chuyên gia cho giải pháp để phân tích cho người lao động hiểu hơn về vấn đề này?
Bà Dương Thị Minh Châu: Chế độ BHXH 1 lần bây giờ không khác gì so với chế độ về 176. Chúng ta thấy rằng Nhà nước luôn quan tâm, muốn người dân tham gia mạng lưới BHXH.
Theo dự thảo Luật mới, ngân sách dự thảo sẽ chỉnh từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng. Hiện nhiều người đang nghĩ việc hưởng 1 lần sẽ có lợi hơn so với đóng bảo hiểm thường xuyên. Đây cho thấy khi xây dựng chính sách còn bất cập. Bất cập khi chưa cho thấy người dân thấy lợi trước mắt mà chưa cho thấy người lao động thấy lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên, thời gian tới nếu tham gia BHXH 10 năm, người lao động có thể đóng 1 lần những năm còn thiếu và hưởng ngay lương hưu sau khi đóng. Các điều kiện hưởng hưu sẽ ngày càng thuận lợi hơn, có lợi hơn cho người tham gia lưới an sinh xã hội. Chúng ta đừng lo lắng Quỹ BHXH vỡ. Bởi đã có Nhà nước đảm bảo. Dễ thấy BHYT sẽ được cấp miễn phí nhiều hơn, còn các bảo hiểm khác, không ai cấp cho anh chị đến năm 60 tuổi nhưng BHYT lại có.
Bế mạc chương trình, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, sau hơn 2 giờ diễn ra chương trình, đã có gần 30 đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn, tập trung đưa ra những câu hỏi, vấn đề, tình huống thực tiễn thường gặp phải trong cuộc sống; những băn khoăn khi thực hiện các chính sách về pháp luật lao động và BHXH ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình; những vấn đề liên quan đến tín dụng đen. Những ý kiến đó đã được các chuyên gia nhiệt tình tư vấn, giải đáp giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. Qua buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, cán bộ, CNVCLĐ, các Công đoàn cơ sở có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên và người lao động nhằm hiểu biết thêm về pháp luật lao động và tránh “sập bẫy” tín dụng đen. |
Nhóm PV
Bình luận