TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội cho người lao động
TRỰC TUYẾN: Các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen |
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Long Biên chào mừng Đại hội lần thứ XVII Công đoàn thành phố Hà Nội và hướng tới Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam.
Đặc biệt, buổi giao lưu, đối thoại được tổ chức nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội - những kiến thức pháp luật hết sức cần thiết cho cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình tham gia quan hệ lao động, từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa.
|
Buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay có các chuyên gia đến từ các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, đoàn thể Thành phố gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội...
Tới dự buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Chính Hữu, Phó chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội. Nguyễn Quốc Long - Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Long Biên; Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên; Vũ Thị Thành - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên; Nguyễn Thị Kim Định - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Long Biên; Lê Thị Kim Thúy - Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Long Biên.
Về phía ban tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Trường Giang, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ Thành phố, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên.
Đặc biệt tham dự buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có gần300 đoàn viên, CNVCLĐ đến từ các đơn vị trực thuộc LĐLĐ quận Long Biên.
9h00: Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội, hay các quyền lợi về thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động cũng là điều cần thiết, từ đó mới có thể động viên, giữ chân được người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi đối thoại. |
Trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm, trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người lao động và cả người sử dụng lao động lại chưa cập nhật được kịp thời. Điều này dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách chưa được doanh nghiệp triển khai đầy đủ và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật cho cả người sử dụng lao động và người lao động nắm rõ là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, bối cảnh mới hiện nay đang đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức với tổ chức Công đoàn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải khẳng định và khắc họa rõ nét hơn vài trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, có sức cuốn hút, hấp dẫn người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn nhiều hơn nữa. Muốn có được điều này, cùng với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tổ chức Công đoàn cũng phải tăng cường truyền thông, lan tỏa, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động và đoàn viên về tổ chức Công đoàn. “Từ những lý do nói trên, chúng tôi đã lựa chọn chủ đề của buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay là: “Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội” - Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Bình cho biết.
Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội quý như thế này, mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp nếu đang ở hội trường và gửi trực tuyến nếu ở xa để được các chuyên gia tư vấn, giải đáp đồng thời theo dõi và chia sẻ đường link của cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến tại địa chỉ laodongthudo.vn cùng các chuyên trang của Lao động Thủ đô là Lao động và pháp luật (laodongvaphapluat.laodongthudo.vn); Làm Giàu (lamgiau.laodongthudo.vn).
9h10: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho hay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động luôn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Chính Hữu, Phó chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi đối thoại. |
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao việc báo Lao động Thủ đô với chức năng là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với các đơn vị. Đồng thời tích cực phát huy thế mạnh của báo điện tử - một kênh thông tin nhanh chóng, đa chiều để tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và công nhân, viên chức, lao động quan tâm, nhất là về chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, tích cực tham gia cùng tổ chức Công đoàn, các cấp ngành phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách mới liên quan đến Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Tiền lương, An toàn vệ sinh lao động… của người lao động ngày càng cao.
Với những lý do như vậy, chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật về Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội” mà Ban tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên, người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, để đảm bảo được quyền lợi của mình; đồng thời hiểu rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
“Vì vậy, tôi đề nghị các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu những câu hỏi, thắc mắc của bản thân để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
9h15: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của CNCVLĐ và bạn đọc
Chị Bùi Thị Thủy (Công đoàn Công ty CP Savico Hà Nội) hỏi: Trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty, ban điều hành công ty tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, công đoàn cần thực hiện những gì để đảm bảo tốt nhất cho người lao động? Theo quy định của luật, ngoài mức bồi thường theo luật định: ko dưới 2 tháng lương, người lao động có thể được hỗ trợ thêm như thế nào? Công đoàn phải hoàn thiện thủ tục thông báo gì tới các cơ quan quản lý?
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong một số trường hợp, người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có trường hợp sắp xếp cấu trúc.
Về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, theo quy định nếu công ty chấm dứt hợp đồng với 2 lao động trở lên thì bắt buộc phải xây dựng phương án sử dụng lao động. Tổ chức Công đoàn với chức năng của mình trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng phương án này, có quy định về các bước, mẫu biểu, đối tượng lao động, chế độ của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động… Khi xây dựng phương án xong, Công ty sẽ phối hợp với công đoàn gửi lên cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh, sau 30 ngày trả lời sẽ triển khai thực hiện.
Chị Bùi Thị Thủy (Công đoàn Công ty CP Savico Hà Nội) đặt câu hỏi. |
Về chế độ chính sách với những người do sắp xếp tái cấu trúc, theo quy định, người sử dụng lao động phải chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm, còn quyền lợi khác Công đoàn đối chiếu theo quy chế và thỏa ước lao động tập thể của công ty.
Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex hỏi: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ thời điểm 1/1/2009 lúc đó đang giữ vị trí quản lý với mức lương cao 15 triệu đồng. Sau đó, do tuổi cao hoặc luân chuyển vị trí công tác, hiện người đó chỉ làm công nhân, mức thu nhập thấp hơn trước. Do doanh nghiệp tài cơ cấu, chuyển đổi mô hình tổ chức, người lao động bị mất việc làm. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này người lao động được tính trợ cấp mất việc, thôi việc như thế nào để đỡ thiệt thòi?
Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của pháp luật thì cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc của người lao động do doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tổ chức là lấy tiền lương 6 tháng gần nhất chia bình quân để tính chứ không lùi lại mức lương từ trước 2009. Đấy là quy định của pháp luật, còn doanh nghiệp có thỏa thuận hoặc cách tính nào khác để đỡ thiệt thòi quyền lợi cho người lao động thì đó là cách của doanh nghiệp.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chị Ngô Thu Huyền - đại diện người lao động Công ty CP QTNP hỏi: Người lao động làm việc hai nơi thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào thưa chuyên gia?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội: Tôi hiểu đây là người lao động có nhiều hợp đồng lao động. Với Luật BHXH và Luật Việc làm thì chúng ta sẽ đóng bảo hiểm đầu tiên. Với Luật BHYT sẽ quy định đóng theo mức lương cao nhất và đối với Luật An toàn Vệ sinh lao động có quy định đóng tất cả các loại hợp đồng. Nếu người lao động bắt đầu tham gia đóng BHXH thì sẽ căn cứ theo hợp đồng đầu tiên bạn ký với đơn vị và chủ sử dụng lao động (có đủ điều kiện đóng BHXH) thì sẽ đóng BHXH và BHTN. Nếu bạn ký tiếp hợp đồng cao hơn thì có thể đóng BHYT ở hợp đồng thứ 2.
Anh Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần 14 hỏi: Tình trạng doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước đang phải gánh các khoản nợ đọng BHXH của doanh nghiệp cũ với số tiền lớn, thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình giải quyết các chế độ chính sách của người lao động. Hiện nay doanh nghiệp đang cố gắng duy trì việc đóng BHXH phát sinh và một phần nợ cũ cho nhà nước, kinh phí đó bao gồm cả phần của chủ sử dụng lao động và người lao động đang làm việc dẫn đến một nghịch lý đó là người lao động đang làm việc vừa phải thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời gánh một phần nợ cũ và lãi chậm nộp của doanh nghiệp đối với cả lao động đang làm việc và lao động đã nghỉ việc. Vấn đề này được biết chính sách trích nộp BHXH của doanh nghiệp do được tính toán tự động thông qua phần mềm của cơ quan BHXH. Xin chuyên gia cho biết ngoài việc sử dụng phần mềm này, cơ quan chức năng của nhà nước có chính sách hoặc cơ chế nào khác để giúp cho người lao động các doanh nghiệp trên không bị thiệt thòi về chính sách trong thực hiện nộp BHXH?
Anh Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần 14 đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với BHXH không có chế độ khoanh vùng thuế. Do vậy, cứ nộp sau là phải trả nợ cho nộp trước. BHXH đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội, mong muốn sửa đổi điều này. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các văn bản chưa có quy định.
Hi vọng rằng trong thời gian tới đây, năm 2025 sửa đổi Luật BHXH, những ý kiến của người lao động, cũng như các đơn vị, Công đoàn ở đây sẽ được lắng nghe, lúc đấy, quyền lợi cho người lao động trong những trường hợp này cũng sẽ được đảm bảo.
Ông Trần Huy Việt - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty May Đức Giang hỏi: Tôi xin hỏi các chuyên gia, hiện tại có một số người lao động muốn đổi hồ sơ bảo hiểm xã họi do sai cả ngày tháng năm sinh, trường hợp này giải quyết thế nào, thủ tục ra sao?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Ở đây có 2 tình huống xảy ra: Nếu hồ sơ thực sự kê khai sai thì xử lý kiểu khác mà nếu hồ sơ đi mượn, sử dụng hồ sơ của người khác để đi làm thì lại phải xử lý kiểu khác. Nếu hồ sơ của người lao động thật sự là bị khai sai, trong trường hợp này, người lao động cần phải có giấy tờ gốc như giấy khai sinh gốc để chứng minh về nhân thân ngày, tháng, năm sinh, Công ty sẽ làm công văn để nghị và kèm theo tờ khai điều chỉnh nhân thân theo giấy khai sinh gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để điều chỉnh. Còn nếu trường hợp mượn hồ sơ của người khác để sử dụng thì phải đưa ra tòa án xác định lại và xử lý theo cách khác.
Chị Nguyễn Phương Hằng (Tiểu học Gia Thụy) hỏi: Nhà trường có 2 hợp đồng lao động ký theo NĐ 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000: 01 người ký hợp đồng năm 2019 và 01 hợp đồng có văn bản chấp thuận của Quận năm 2021. Thời hạn ký hợp đồng là không xác định. Hiện tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 có hiệu lực ngày 22/03/2023, nhà trường có phải làm thanh lý hợp đồng 2 trường hợp này để ký theo Nghị định 111/NĐ-CP không? Và nếu phải thanh lý thì có phải làm lại quy trình Thông báo tuyển dụng lại từ đầu và người lao động làm lại hồ sơ trình UBND quận ký chấp thuận nữa không?
Phụ cấp trách nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học có được tính đóng BHXH không? Vì tổ trưởng, tổ phó chỉ có Quyết định do Hiệu trưởng ký và thay đổi liên tục theo năm học.
Nhà trường có một số Giáo viên sinh năm 1975, 1976 đã có thời gian đóng BHXH đủ từ 20 năm nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu. Nếu giáo viên muốn nghỉ thì có đủ điều kiện để nghỉ không?
|
Chuyên gia Vũ Thị Minh Huyền: Đối với các trường hợp chị nêu việc thanh lý hợp đồng là điều đương nhiên. Trong Nghị định 111/2022/NĐ-CP và một số hướng dẫn, nếu các trường hiện ký hợp đồng xác định thời hạn, hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn sẽ có 2 cách tính lương, một là theo bảng lương áp dụng Nghị định 204, thứ 2 là lương theo thỏa thuận, mức thấp nhất là lương tối thiểu vùng. Về quy trình, sau khi thanh lý hợp đồng sẽ ký hợp đồng lại. Tuy nhiên đối với những trường hợp chị nêu có thể được ưu tiên ký tiếp hợp đồng nêu không vi phạm và đáp ứng được vị trí việc làm.
Về phụ cấp đối với tổ trưởng chuyên môn chị nói, tôi đang hiểu là phụ cấp chức vụ thì theo quy định Thông tư 33 của Bộ giáo dục Đào tạo thì đều được áp dụng để đóng bảo hiểm xã hội.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Về phụ cấp chức vụ đối với cán bộ công chức, viên chức thì phải đóng BHXH nhưng đối với phụ cấp trách nhiệm thì không phải đóng BHXH. Đối với những trường hợp ký hợp đồng lao động mà phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động quy định thì người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động.
Về tuổi nghỉ hưu chúng ta đã có quy định mới. Tuy nhiên anh chị nên nhớ rằng 20 năm đóng BHXH là thời gian tổi thiểu để hưởng lương hưu, mức đối đa có thể là 30 năm. Cơ quan BHXH mong người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ tiếp tục ở lại thị trường lao động để làm việc để đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho bản thân mình.
Chị Bùi Thị Minh Hạnh, Công ty Hùng Thành hỏi:
1. Thưa chuyên gia, tôi nghe đồng nghiệp tại công ty chia sẻ rằng, sắp tới người lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm bảo hiểm là đủ điều kiện để chờ đến tuổi hưu nhận lương hưu. Vậy thông tin này có chính xác hay không?
2. Người lao động trong thời gian thử việc có phải đóng BHXH không?
Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về câu hỏi người lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm là đủ điều kiện để chờ đến tuổi hưu, tôi xin trả lời, thông tin này là đúng. Dự Thảo đã trình Quốc hội đồng ý với nội dung này, điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH để nghỉ hưu.
Tuy nhiên, các anh, chị lưu ý, nếu đã giải quyết chế độ BHXH 1 lần thì không được áp dụng điều này, không phải tất cả người lao động đều được áp dụng. Hiện nay, trên các thông tin truyền thông chưa nêu rõ các điều kiện đi kèm những trường hợp nào đóng BHXH 15 năm thì được chờ đến tuổi hưởng chế độ lương hưu. Do vậy, người lao động nên tìm hiểu kĩ để có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình.
Về câu thứ 2, người lao động trong thời gian thử việc có phải đóng BHXH không? tôi xin trả lời, hiện nay, việc kí Hợp đồng thử việc có 2 cách: Thứ nhất là Hợp đồng thử việc nằm trong hợp đồng chính, ví dụ là kí hợp đồng trong 12 tháng, trường hợp này bắt buộc phải đóng BHXH. Trường hợp thứ 2, Hợp đồng thử việc ko nằm trong hợp đồng chính, tức là Hợp đồng thử việc có thể kí 1,2 tháng, trường hợp này thì không phải đóng BHXH.
Chị Lê Thùy Linh, Công đoàn Công ty Việt Sinh hỏi: Công ty tôi làm về lĩnh vực suất ăn cho trẻ, đặc thù công việc của chúng tôi là sẽ gián đoạn 3 tháng hè, Công ty không có doanh thu và không hoạt động, người lao động nghỉ việc không lương. Chúng tôi muốn duy trì thẻ BHYT trong thời gian 3 tháng nghỉ, vậy có cách nào không?
CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay nghỉ không lương đang là đối tượng “vướng” của Luật BHXH, bởi nghỉ không lương vẫn thuộc đối tượng do đơn vị đang quản lý, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH hộ gia đình. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều về vấn đề này. Thời gian BHXH chúng ta có thể cộng nối để hưởng chế độ. Nhưng với BHYT nếu ngắt quãng 3 tháng thì giá trị BHYT sẽ đóng lại từ đầu. Về mặt pháp lý, hiện nghỉ không lương sẽ không được đóng BHYT hộ gia đình. Bởi vậy, đơn vị chỉ có cách duy nhất là đơn vị tự hoãn Hợp đồng lao động và sau đấy người lao động sẽ về địa phương để mua BHYT hộ gia đình.
Chị Lưu Thị Thủy Phương (Trường mầm non Cự Khối) hỏi: Trong trường hợp viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập sinh con thứ ba (không thuộc diện ưu tiên của chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình) thì Công đoàn cơ sở nên tham gia giải quyết như thế nào?
Chị Lưu Thị Thủy Phương (Trường Mầm non Cự Khối) đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nếu viên chức là Đảng viên thì phải chấp hành theo điều lệ Đảng, quy định của pháp luật và Nhà nước. Với vai trò của mình, tổ chức Công đoàn sẽ phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, Ban chấp hành Công đoàn vận động, phối hợp với nhà trường, chủ động tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên.
Chị Mai Thị Phượng - Công đoàn Trường mầm non Ben Ben hỏi: Cô tôi là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu được 1 năm, nhưng chưa được hưởng lương hưu. Hiện cô tiếp tục ký hợp đồng trông trẻ với một trường tư thục, tôi xin hỏi là cô tôi có phải đóng bảo hiểm bắt buộc nữa không?
Đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội tặng quà người lao động tham dự buổi đối thoại. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu cô của bạn đã được hưởng lương hưu tức là thỏa mãn cả 2 điều kiện để nghỉ hưu gồm: Đủ tuổi nghỉ hưu và đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội thì cô của bạn không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội ở trường tư thục nữa. Còn trong trường hợp cô của bạn đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm bắt buộc, tức là chưa đủ điểu kiện hưởng lương hưu, thì khi tiếp tục ký hợp đồng làm việc ở trường mầm non tư thục mới, cô bạn vẫn bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Chị Lê Thị Tâm, Công ty TNHH Toyota Long Biên hỏi: 1. Người lao động có được ký Hợp đồng thử việc từ 2 Công ty trở lên không?
2.Trong trường hợp Người lao động đã ký Hợp đồng học việc, tập việc và thử việc theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành nhưng chưa đảm bảo yếu tố về hiệu quả công việc để Công ty chuyển thể loại Hợp đồng tiếp theo mà cả hai bên đều muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng thì giải quyết phương án nào cho phù hợp?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với câu hỏi thứ nhất thì theo quy định của pháp luật, ở giao kết hợp đồng (không phải bắt buộc mà là thỏa thuận) thì có thể kí hợp đồng thử việc hoặc trực tiếp kí hợp đồng lao động. Có thể trong 1 lúc chúng ta thử việc ở 2 nơi, còn có thử việc hay không thì là do 2 bên thỏa thuận chứ không phải bắt buộc.
Câu 2: Có 2 khái niệm chúng ta phải tách biệt nhau ra. Thứ nhất, học việc là thực hiện để chuẩn bị được tuyển dụng. Học việc phải tuân thủ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp về nội dung, chương trình, thời gian, cơ sở vật chất.
Còn tập việc, là hướng dẫn công việc, theo quy định là không quá 3 tháng, trong thời gian đó, người lao động tập việc làm ra sản phẩm nào thì trả lương theo sản phẩm đó, sau thời gian tập việc thì phải kí kết hợp đồng lao động.
Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch CĐ Trường Tiểu học Long Biên hỏi:
1. Theo thông tư 08/2023 của Bộ GD&ĐT thì với viên chức dự thi xếp thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng 2 phải có đủ thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học hạng 3 hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên. Nếu có bằng thạc sĩ trở lên thì phải đủ 6 năm. Vậy tôi xin hỏi, bằng thạc sĩ quản lý giáo dục có được xem là đủ điều kiện để giảm thời gian xuống 6 năm hay không?
Câu hỏi thứ 2, xin chuyên gia cho biết theo quy định mới của Luật Viên chức sửa đổi sẽ không có viên chức suốt đời, thay vào đó là 5 năm phải stas hạch lại 1 lần. Vậy nếu xác định không đạt thì có cách thức nào xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức đó?
Đồng chí Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên tặng quà người lao động tham dự buổi đối thoại. |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Với trường hợp của chị, ở câu hỏi thứ nhất, tôi xin trả lời như sau, khi chúng ta tuyển dụng là tuyển vị trí việc làm với từng giáo viên. Chúng ta không sử dụng bằng thạc sĩ quản lý giáo dục được mà thay vào đó là bằng đúng chuyên ngành. Về vấn đề này Sở Nội vụ đã có hướng dẫn chi tiết, để rõ hơn, cần xác định cụ thể chị hãy liên hệ đến Sở để giải đáp thắc mắc.
Câu hỏi thứ 2, với Luật viên chức sửa đổi, khi tuyển dụng thì viên chức sẽ được ký tối đa 5 năm sau đó sẽ có họp đánh giá. Hiện chúng tôi chưa thấy văn bản nào ghi là cần phải sát hạch lại viên chức.
Chị Trần Minh Phương (Mầm non Ngọc Thụy) hỏi: Các đơn vị sự nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với cán bộ, công chức, viên chức không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo Luật viên chức năm 2010, có quy định cụ thể tại Điều 29 về quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau: Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ; Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn; Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ Thành phố, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên tặng quà người lao động tham dự buổi đối thoại. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với quan hệ lao động, chúng ta phải thực hiện theo Luật Lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
Chuyên gia trả lời câu hỏi của người lao động tại buổi đối thoại. |
Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh - Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Thạch Bàn hỏi: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ Công chức, Luật Viên chức, đối với cán bộ công chức, viên chức, ngoài những trường hợp thi tuyển thì còn có xét tuyển.
Tôi xin hỏi việc xét tuyển công chức, viên chức cụ thể cần có những điều kiện gì, trường hợp nào? Hiện trường tôi có một số trường hợp đã được ký hợp đồng trong thời gian dài, có bằng Đại học và có thành tích trong công tác thì có được xét tuyển viên chức không?
Chị Nguyễn Thúy Hạnh (Trường Mầm non Thạch Bàn) đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Theo quy định của Luật viên chức, viên chức được tuyển dụng theo 3 hình thức là thi tuyển, xét tuyển và tiếp nhận. Đối với việc xét tuyển ở những trường hợp cụ thể như chị hỏi thì phải xác định cụ thể hơn về thẩm quyền xét tuyển.
Theo đó, nếu trường chị tự chủ 100% mà theo Nghị định 60 là đơn vị nhóm 2 thì trường chị hoàn toàn có thẩm quyền xét tuyển và đưa ra hình thức xét tuyển viên chức. Nếu trường chị chưa phải là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, mà chỉ tự chủ một phần hoặc được chi 100% thì thẩm quyền tuyển dụng do viên chức trường hợp này là thuộc về Ủy ban nhân dân quận Long Biên quyết định, lựa chọn hình thức, không có trường hợp ưu tiên đối với những trường hợp đã ký hợp đồng lâu năm. Tuy nhiên, nếu có được tuyển thì những trường hợp này sẽ được xem xét về thời gian hợp đồng để xét lương cũng như nâng bậc lương.
Chị Bùi Thanh Khuyên, Công ty TNHH Thanh An hỏi: 1. Người lao động có hợp đồng lao động, có quyền lợi về an toàn vệ sinh lao động như thế nào?
2.Trường hợp 1 số trường hợp người lao động đang công tác, chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không mong muốn đóng BHXH. Trường hợp này xử lý như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Câu hỏi của chị hơi rộng quá, do vậy tôi thông tin nhanh như sau: Người lao động có hợp đồng lao động có rất nhiều quyền lợi về an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, có một số quyền lợi như sau: Được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; đảm bảo các chế độ chính sách: về tai nạn lao động; chế độ khám sức khỏe định kỳ; hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại về hiện vật; được huấn luyện an toàn lao động hằng năm…
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với các trường hợp chị vừa hỏi, người lao động đang công tác, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng không mong muốn đóng BHXH, thì ở đây, Luật ko có sự thỏa thuận nào với người lao động là không tham gia BHXH, việc đóng BHXH cho người lao động vẫn là điều kiện bắt buộc. Do vậy các anh, chị cần lưu ý.
Chị Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Gia Quất hỏi: HIện nay có NLĐ tham gia ký HĐLĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập với hệ số 2,67, khi thi viên chức đõ, người đó có bị quay lại mức 2,34 không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Với trường hợp chị đề cập, căn cứ theo Nghị định 115/2020 của Chính phủ đã quy định cụ thể. Theo đó, toàn bộ quá trình đóng BHXH đúng với chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm thì hoàn toàn có thể cộng dồn thời gian để xếp lương (Trừ 12 tháng tập sự theo quy định).
Phát biểu bế mạc chương trình, ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết, sau gần 2 giờ diễn ra chương trình, đã có hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, CNVCLĐ gửi tới các chuyên gia, tập trung về những vấn đề liên quan thiết thân đến người lao động như: hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tuyển dụng công chức, viên chức… Những ý kiến đó đã được các chuyên gia tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. |
Bình luận