TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Phổ biến pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội” TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Những điểm mới về tiền lương, BHXH và An toàn, vệ sinh lao động" Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”

Đây là một trong những hoạt động của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Gia Lâm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Hoạt động này cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, thể hiện phương châm của tổ chức Công đoàn luôn hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo toàn diện cho người lao động.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Các đồng chí đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu.

Tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách có các đại biểu: Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Đào Xuân Trường - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; ông Ngô Vương Tuấn - Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô; ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và đô thị.

Về phía đơn vị tổ chức, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thể - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm; Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô.

Tham gia giải đáp các vấn đề mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quan tâm có các khách mời: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Công đoàn); Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga.

Đặc biệt, tham dự chương trình trực tiếp tại Huyện ủy Gia Lâm có trên 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện Gia Lâm và đông đảo cán bộ Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động, bạn đọc theo dõi chương trình trực tuyến trên Báo điện tử Lao động Thủ đô (laodongthudo.vn).

8h35: Khai mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Đối với tổ chức Công đoàn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người sử dụng lao động và người lao động là một nhiệm vụ được quan tâm thường xuyên, liên tục.

Trong đó, Báo Lao động Thủ đô, song song với thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm, Báo lựa chọn đến gần hơn với người lao động bằng việc hằng năm tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp như tại đây ngày hôm nay.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Đồng chí Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình.

Thực tế cho thấy, đối với mỗi công nhân lao động, ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì việc nắm rõ những kiến thức về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe luôn là nhu cầu thường xuyên, là lợi ích cao nhất của người lao động.

Trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng sẽ giúp người lao động có thể chủ động bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; đồng thời, với người sử dụng lao động, việc quan tâm đến vấn đề an toàn, chăm lo sức khỏe người lao động cũng chính là xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững.

“Qua các cuộc đối thoại giao lưu trước, chúng tôi nhận thấy, chủ đề liên quan đến sức khỏe, an toàn luôn được thảo luận rất sôi nổi. Vì thế, chúng tôi rất mong các đoàn viên, công nhân lao động của huyện Gia Lâm tích cực gửi câu hỏi, những vấn đề của mình.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Công nhân, viên chức, lao động huyện Gia Lâm tham dự chương trình.

Đồng thời, với một chương trình được truyền trực tuyến thì sức lan tỏa sẽ không chỉ dừng lại ở không gian trong hội trường, mà những anh, chị, em công nhân không có điều kiện tham dự trực tiếp chương trình có thể theo dõi và gửi câu hỏi qua hệ thống truyền trực tuyến của Báo Lao động Thủ đô để các chuyên gia giải đáp”, Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.

8h45: Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của chương trình khi được tổ chức đúng dịp các cấp Công đoàn Thủ đô đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe để có sức khỏe tốt phục vụ lao động sản xuất là những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm. Bởi với người lao động, sức khỏe là vốn quý nhất. Chính vì thế, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo.

“Chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách với chủ đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Gia Lâm tổ chức ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động rất thiết thực nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình”- Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đề nghị công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra những câu hỏi, vướng mắc của bản thân liên quan đến chủ đề của chương trình để các chuyên gia giải đáp.

Đồng thời, mỗi công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình ngày hôm nay hãy là một tuyên truyền viên để truyền tải những kiến thức hữu ích mà mình tiếp thu được đến với đông đảo đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình để cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc an toàn và có sức khỏe tốt để lao động sản xuất.

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị sau chương trình này, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục có các giải pháp sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ chính sách, kiến thức chăm sóc sức khỏe và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ thành phố, huyện Gia Lâm và báo lao động Thủ đô tặng hoa các chuyên gia của chương trình.

9h00: Bắt đầu buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu.

Chị Trương Lan Phương, Công ty vận tải Đức Long hỏi: Đối với người lao động trong ngành vận tải thì sẽ khám sức khoẻ định kỳ theo Thông tư 32 hay có quy định nào riêng không, vì đặc thù của ngành giao thông vẫn tải nhất là đối với lái xe sẽ khác với các ngành khác?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Trương Lan Phương nêu câu hỏi

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Hiện nay pháp luật đã quy định rõ một trong những điều kiện đảm bảo sức khỏe cho NLĐ là đơn vị sử dụng lao động một năm ít nhất phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ 1 lần. Với các ngành nghề có nguy cơ độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần. Pháp luật cũng quy định rõ các danh mục, nội dung cụ thể đối với các nhóm lao động.

Riêng đối với lĩnh vực giao thông vận tải, một số ngành nghề trong lĩnh vực này nếu được quy định trong danh mục lao động ngành nghề độc hại thì sẽ phải khám sức khỏe theo quy định. Qua các chỉ số kiểm tra sức khỏe sẽ xác định người lao động đó có làm việc trong môi trường có nguy cơ độc hại hay không để thông qua các gói quyền lợi cho NLĐ.


Chị Trương Thị Ngọc Loan - Trường Trung học cơ sở Cổ Bi hỏi: Tôi xin hỏi có những chế độ và chính sách nào với giáo viên, NLĐ bị mắc bệnh mãn tính (bệnh nghề nghiệp) như tuyến giáp, hô hấp hoặc những bệnh hiểm nghèo?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Trương Thị Ngọc Loan đặt câu hỏi.

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Chế độ chính sách ốm đau với NLĐ trong hệ thống Nhà nước thì sẽ thực hiện theo quy định của Nhà nước, ở khu vực ngoài Nhà nước thì ngoài chế độ chính sách theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận, thương lượng về những chế độ có lợi hơn, nhất là với những bệnh nghề nghiệp hoặc những vấn đề liên quan sức khỏe do môi trường nặng nhọc, độc hại.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa

Cụ thể trường hợp chị hỏi, nếu chị là viên chức của một đơn vị sự nghiệp công lập, khi khám sức khỏe mà phát hiện ra các bệnh nghề nghiệp theo quy định về danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế thì sẽ được nghỉ việc điều trị bệnh và có hưởng chế độ theo quy định.

NLĐ nghỉ chữa bệnh trên 14 ngày thì tháng đó NLĐ sẽ không tham gia đóng Bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp ốm đau do Bảo hiểm xã hội chi trả.

NLĐ được nghỉ chữa trị bệnh trong thời gian tối đa 180 ngày, tính cả thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết hay nghỉ hàng tuần và được hưởng 75% bình quân tiền lương tháng liền kề.

Nếu NLĐ đã nghỉ hết 180 ngày nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn đươc hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, mức hưởng sẽ thấp hơn và thời gian hưởng tối đa sẽ tính theo thời gian NLĐ đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là dưới 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì được hưởng 50%; từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng 55% và từ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng 65%.

Sau khi điều trị bệnh, NLĐ quay trở lại làm việc mà sức khỏe không được đảm bảo như trước thì sẽ được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.


Chị Trương Thị Mai Lan, Trường Trung học cơ sở Phù Đổng hỏi: Người bị bệnh viêm xoang cần tránh làm việc ở những môi trường nào? Giáo viên hiện phải đối mặt với căng thẳng, áp lực tâm lý, vậy đây có xem là bệnh nghề nghiệp không và nên thăm khám sức khỏe như thế nào?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Trương Thị Mai Lan đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Nếu ở miền Bắc, sẽ khó tránh bệnh viêm xoang, tuy nhiên thường là viêm xong cấp, và nhanh khỏi. Với những môi trường dễ gây viêm xoang như có khói, bụi, sơn… hay đối với nghề giáo viên, hay phải viết bảng bằng phấn, nguy cơ mắc viêm xoang sẽ cao hơn.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng

Bởi vậy các giáo viên phải chủ động phòng chống, để giảm tránh mắc bệnh viêm xoang, cũng như giảm tác hại của bệnh như: Tránh đi trong môi trường bụi bẩn, ô nhiễm khói bụi; giữ cho niêm mạc mũi không bị khô bằng cách sử dụng nước muối sinh lý; ngậm nước ấm và mật ong nhằm tăng đề kháng cho đường hô hấp; tăng cường vận động, vận động cổ, vai, gáy… để mạch máu lưu thông; hạn chế uống nước lạnh…

Thực tế, hiện nghề giáo viên và các em học sinh bị căng thẳng tâm lý, trầm cảm mức độ nhẹ rất nhiều. Khi có dấu hiệu bất thường về tâm lý, thì mọi người nên đến với các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa tâm lý để thăm, khám và điều trị kịp thời.

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Với những trường hợp giáo viên bị căng thẳng tâm lý trong môi trường làm việc thì chưa thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp.


Một bạn đọc hỏi trực tuyến: Trong điều kiện làm việc bình thường, doanh nghiệp có từ bao nhiêu người lao động trở lên phải thành lập phòng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Nếu trường hợp đủ điều kiện mà chưa thành lập phòng ATVSLĐ, thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Theo Quy định của Luật ATVSLĐ, trong điều kiện bình thường doanh nghiệp có dưới 100 lao động phải bố trí 1 cán bộ làm công tác ATVSLĐ.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân

Đối với các cơ sở doanh nghiệp từ 300-1000 lao động thì phải bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên môn nghiệp vụ để giám sát các vấn đề liên quan đến NLĐ để kịp thời giải quyết nếu có các vấn đề mất ATVSLĐ xảy ra.

Riêng đối với cơ sở sản xuất có từ 1.000 lao động trở lên thì doanh nghiệp phải bố trí 1 phòng/bộ phận ATVSLĐ theo quy định và phải có ít nhất 2 cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập bộ phận ATVSLĐ thì có thể ký hợp đồng với một đơn vị có đủ năng lực để hỗ trợ làm công tác ATVSLĐ.

Tuy nhiên trường hợp không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải có người làm công tác ATVSLĐ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.


Chị Phạm Thị Ngọc Lan, Công ty cổ phần Keo dán Đức Anh hỏi: Hiện tại tôi đang làm việc trong môi trường độc hại nhiều bụi và hơi keo làm mờ mắt, ảnh hưởng sức khỏe, xin hỏi các chuyên gia là có biện pháp gì để bảo vệ sức khỏe nói chung và bảo vệ mắt nói riêng?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Phạm Thị Ngọc Lan, Công ty cổ phần Keo dán Đức Anh

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Khi người lao động làm việc trong mội trường có yếu tố độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, cụ thể ở đây là bụi, chất keo thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị kính bảo hộ đảm bảo chất lượng.

Nếu ví một lý do nào đó mà doanh nghiệp không trang bị bảo hộ lao động tốt, thì cùng với việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi thì người lao động nên chủ động trang bị cho mình phương tiện bảo hộ để bảo vệ sức khỏe đó là mua loại kính tốt vừa có thể bảo vệ mắt vừa đảm bảo thoải mái trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên ở góc độ chuyên gia y tế thì tôi khuyên bạn như sau, để dự phòng bảo vệ mắt thì chúng ta có thể sử dụng nước muối sinh lý và dung dịch bổ sung vitamin cho mắt. Nếu mắt kém và thành bệnh, thì người lao động nên đi khám bác sỹ nhãn khoa để có liệu trình điều trị phù hợp.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
CNVCLĐ huyện Gia lâm dự Đối thoại - giao lưu.

Ngoài ra, bệnh về mắt hay bất cứ loại bệnh nào đều liên quan đến đề kháng, nên chúng ta phải nâng cao sức đề kháng để đẩy lùi bệnh tật. Câu chuyện về nâng cao sức đề kháng thì nói rất dài, nhưng tóm tắt lại, trước hết chúng ta phải luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng; coi trọng đi ra ngoài, tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc với thiên nhiên và đặc biệt cần dành thời gian tập thể dục vì khi tập thể dục và vận động thì sẽ kích thích tiêu tốn năng lượng và kích thích chuyển hóa thì sẽ ăn ngủ tốt hơn, lúc đó sức đề kháng tốt thì các vấn đề mắt hay các vấn đề về sức khỏe sẽ đỡ hơn.

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân bổ sung: Khi người lao động làm việc trong mội trường nặng nhọc độc hại thì trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải trang bị bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn quy định cho người lao động thì mới được sản xuất, tuy nhiên vẫn có yếu tố nguy cơ vì thế người sử dụng lao động phải thường xuyên thực hiện đo kiểm môi trường lao động.

Thực tế có trường hợp một doanh nghiệp thay đổi chất keo sản xuất một chút nhưng không phù hợp nên dẫn tới có trường hợp người lao động choáng, ngất, vì thế công việc đo kiểm môi trường làm việc rất quan trọng. Đối với người lao động thì yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng bảo hộ lao động, nhiều khi do thấy bất tiện, không thoải mái trong quá trình làm việc, người lao động không sử dụng bảo hộ lao động cũng sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nếu trong trường hợp thấy những bất thường về sức khỏe trong quá trình sản xuất liên quan đến yếu tố nghề nghiệp thì người lao động phải báo ngay cho người sử dụng lao động để thực hiện đo kiểm xem môi trường làm việc có đảm bảo không.


Chị Nguyễn Ngọc Thịnh, Trường Tiểu học Tiền Phong hỏi: Những công việc nào không được sử dụng lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Nguyễn Ngọc Thịnh, Trường Tiểu học Tiền Phong nêu câu hỏi.

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Hiện không có danh mục các công việc cấm không được sử dụng lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Mà theo hướng chuyển quyền lựa chọn công việc cho NLĐ và gắn liền với trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động phải đảm bảo các điều kiện, nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho NLĐ.

Quyền lợi lao động nữ trong thời gian mang thai, thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ có những quy định đặc thù nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ như:

Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; không được quyền sa thải NLĐ. Đặc biệt với lao động động nữ trong thời gian mang thai, hoặc nuôi con nhỏ thì người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi cho đối tượng lao động này ví dụ như thời gian làm việc phải rút ngắn hơn, môi trường làm việc hợp lý…

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm việc hằng ngày.

Người sử dụng lao động không được phép sử dụng nữ lao động đang mang thai làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ, dù NLĐ đồng ý.


Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam hỏi: Hiện nay, tỉ lệ người dân mắc đột quỵ rất cao, nhất là người trẻ. Xin bác sĩ chia sẻ cách phòng tránh bệnh đột quỵ ở người trẻ?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Nguyễn Thị Thu Hương, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Hiện tại mỗi năm có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ. Người dưới 45 tuổi có tỷ lệ cao. Trong cơ cấu của đột quỵ có 80% do nhồi máu não hoặc tắc mạch máu; 20% do xuất huyết não.

Ở Việt Nam, tỷ lệ xuất huyết não cao hơn so với thế giới từ 25-30% và có tỷ lệ cao ở người trẻ, chủ yếu do tăng huyết áp gây ra đột quỵ, thậm chí đột tử. Đột quỵ tuy không cướp đi tính mạng nhưng nguy cơ tàn phế rất cao.

Vậy làm sao để phòng, chống đột quỵ ở người trẻ? Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ có 2 nguy cơ chính là do mạch máu xơ vữa và do cục máu đông. Trong đó, có nhiều bệnh chuyển hóa đều xuất phát từ xơ vữa mạch máu. Vì vậy, mỗi người cần ăn uống lành mạnh và mỗi tuần nên vận động khoảng 150 phút.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Đại biểu tham dự Buổi đối thoại, giao lưu

Thực tế thì người Việt Nam ít vận động hơn so với nước ngoài vì người nước ngoài đi bộ nhiều do các quy định của giao thông công cộng. Người Việt Nam sử dụng xe máy nhiều và tiện dụng nên ít phải di chuyển bằng đi bộ, sức khỏe sẽ kém hơn. Đi bộ sẽ khiến sức khỏe được nâng cao, giảm mỡ máu, giảm các nguy cơ lắng đọng của xơ vữa mạch máu.

Ngoài ra, cần kiểm soát các bệnh nền bằng cách khám sức khỏe định kỳ và làm một số xét nghiệm khác. Đối với một số người có nguy cơ cục máu đông cao hơn, đó là người bị bệnh tim, ngoài dùng thuốc chống đông thì phải vận động nhiều hơn.

Giới trẻ ngày nay còn có thêm một vấn đề phổ biến đó là căng thẳng do áp lực cuộc sống. Người căng thẳng nhiều nhất là nữ trên dưới 40 tuổi. Những người này có thể tăng nguy cơ đột quỵ do lo lắng, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Ông Đà Xuân Trường - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm trao quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi phần giao lưu

Nhìn chung có rất nhiều cách để giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, quan trọng nhất là “có làm hay không”. Chúng ta phải xác định một lối sống lành mạnh, bao gồm vận động thường xuyên và ăn uống khoa học. Ăn nhiều rau xanh, cá, các loại hạt, hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và giảm ăn ngọt, ăn mặn.


Chị Lê Minh Huệ, Trường Mầm non Cổ Bi hỏi: Tôi được biết đi bộ là môn thế thao tốt cho sức khỏe. Xin bác sĩ tư vấn, người trung tuổi cần đi bộ tối thiểu bao nhiêu bước hay bao nhiêu km/ngày thì có hiệu quả? Số bước hoặc số km có thể cộng dồn trong ngày hay là phải đi trong một thời gian liên tục thì mới hiệu quả?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Lê Minh Huệ, Trường Mầm non Cổ Bi nêu câu hỏi với các chuyên gia

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Đi bộ là 1 môn thể dục dễ thực hiện và rất tốt cho sức khỏe. Đối với người có tuổi dễ bị tổn thương khớp, nhất là người thừa cân, béo phì… thì việc đi bộ như thế nào cho đúng và khoa học cũng rất quan trọng. Mỗi ngày, mọi người chỉ cần đi bộ 2000 - 3.000 bước/ngày là tốt cho sức khỏe. Mỗi ngày đi bộ khoảng 30 phút, dưới 60 phút.

Và với những người ở tuổi trung niên nên chia ra đi bộ 2 lần/ngày. Nên đi bộ sau khi ăn tối khoảng 1 tiếng; trước ăn sáng khoảng nửa tiếng. Bên cạnh đó, người đi bộ phải chú ý đảm bảo an toàn cho an toàn cho bản thân.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình trao phần quà tới NLĐ tham gia phần giao lưu.

Chị Nguyễn Thị Thùy Liên, Công đoàn trường Mầm non Kiêu Kỵ: Trong thời kỳ mang thai, lý do sức khỏe NLĐ phải nghỉ 1 tháng không lương. Vậy sau khi sinh con NLĐ có được hưởng chế độ thai sản không và cần điều kiện gì?

Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Nếu NLĐ làm việc theo hợp đồng thì thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản, tuy nhiên phải thỏa mãn các điều kiện: Đối với mang thai thông thường thì tính từ thời điểm có sự kiện thai sản quay về trước đã có 6 tháng đóng BHXH.

Trường hợp dưỡng thai, chỉ cần đủ 3 tháng đóng BHXH tính đến thời điểm diễn ra sự kiện thai sản. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tham gia đóng BHXH phải trên 12 tháng và chưa giải quyết chế độ hưởng BHXH 1 lần.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức thể trao phần quà tới NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Xuân, Trường Tiểu học Đại Hưng hỏi: Hiện nay nhiều chị em phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và tuyến giáp. Vậy xin bác sĩ cho biết căn nguyên hình thành cũng như các dấu hiệu nhận biết 2 căn bệnh nguy hiểm này?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Nguyễn Thị Xuân, Trường Tiểu học Đại Hưng

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Đúng là hiện nay hiện tượng ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến giáp có phổ biến hơn trước. Về ung thư tuyến giáp, hiện nay có rất nhiều chị em đi khám bệnh định kỳ và phát hiện ra các vấn đề về tuyến giáp. Các vấn đề tuyến giáp phân theo thuật ngữ y khoa là tirads 1, 2, 3, 4… Các mức độ tirads 2, 3 thì theo tôi là không nên lo lắng, còn tirads 4 trở lên thì có nguy cơ ung thư nhưng cũng không phải chắc chắn là đã bị ung thư.

Về nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp, có thể là do môi trường độc hại, ăn uống ít I-ốt, sức đề kháng kém hoặc gia đình đã có người bị ung thư tuyến giáp thì thì nguy cơ ung thư tuyến giáp tăng lên.

Về triệu chứng của ung thư tuyến giáp thì cũng không rõ ràng, không đặc hiệu. Đến khi mà có biểu hiện khó nuốt, khàn giọng thì bệnh đã nặng rồi, nên cách kiểm tra bệnh tốt nhất là chúng ta nên đi siêu âm định kỳ, có thể là 6 tháng/lần. Nếu có các biểu hiện bất thường thì sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn, chụp cộng hưởng từ, chọc hút tế bào…

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì 90% ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi, quan trọng nhất là chúng ta phải phát hiện sớm, vì thế chúng ta cố gắng đi siêu âm tuyến giáp định kỳ vì siêu âm tuyến giáp cũng đơn giản, không nhất thiết phải vào các bệnh viện lớn mà ở bất cứ phòng khám nào cũng có thể kiểm tra được.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh trao phần quà đến NLĐ tham gia trả lời câu hỏi phần giao lưu tại chương trình.

Đối với ung thư cổ tử cung, lúc trẻ thì không sao nhưng chị em độ tuổi trên 40 tuổi và 50 tuổi mắc nhiều. Có một số nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung nhưng nguyên nhân phổ biến nhất, tới 90% là do nhiễm vi rút HPV. Vi rút này cũng có gần 100 tuýp, trong đó có 4 tuýp hay gây ra ung thư cổ tử cung.

Về dấu hiệu nhận biết của ung thư cổ tử cung thì thời gian đầu cũng không rõ ràng, không đặc hiệu, khi có các biểu hiện như: Chảy máu âm đạo bất thường; dịch âm đạo bất thường; đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ; đau vùng chậu, đau lưng dưới, khó chịu khi đi tiểu, tiểu không kiểm soát, rối loạn kinh nguyệt, giảm cân không rõ nguyên nhân... thì lúc này bệnh đã nặng rồi.

Để phòng tránh ung thư cổ tử cung, chị em nên chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều trị để tránh viêm đường tiết niệu, uống nhiều nước, dùng các loại lợi khuẩn âm đạo, lợi khuẩn tiết niệu, hạn chế kích thích. Đặc biệt, hiện nay đã có vắc xin phòng chống ung thư cổ tư cung nên chị em phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt nên quan tâm đi tiêm vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung để phòng chống bệnh.


Chị Đỗ Thị Hường, Công ty Cổ phần xây dựng và Công nghiệp NSN hỏi: Khi một người lao động xảy ra tai nạn lao động trong quá trình làm việc thì người sự dụng lao động cần xử lý như thế nào? Quy trình xử ly ra sao? Khi có tai nạn lao động thì người lao động phải sơ cấp cứu cho người lao động để giảm thiểu nguy cơ.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Đỗ Thị Hường, Công ty Cổ phần xây dựng và Công nghiệp NSN

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Khi có người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc, quy trình xử lý tai nạn lao động của doanh nghiệp gồm các bước:

Bước 1: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động

Bước 2: Khai báo tai nạn lao động

Bước 3: Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động nặng hoặc chết người

Bước 4: Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cơ sở và tiến hành điều tra

Bước 5: Thông báo thông tin về tai nạn lao động tới người lao động

Bước 6: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động

Bước 7: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra tai nạn lao động

Bước 8: Chi trả bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động

Bước 9: Hướng dẫn, giới thiệu người lao động giám định sức khỏe

Bước 10: Thực hiện biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả tai nạn lao động

Bước 11: Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động.


Chị Đỗ Thị Ngọc Ánh – Trường Tiểu học Trâu Quỳ hỏi: Hiện nay sốt xuất huyết lây lan mạnh, xin hỏi các chuyên gia về việc tiêm phòng vắc xin đảm bảo hay chưa, những biến chứng, tác dụng phụ không mong muốn khi tiêm vắc xin như thế nào?

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Chị Đỗ Thị Ngọc Ánh nếu câu hỏi đến chuyên gia.

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Thông thường, dịch sốt xuất huyết cứ 4-5 năm lại có đợt dịch bùng phát. Năm nay, sau bão, sau mưa lũ, sức đề kháng của con người suy giảm và môi trường sau bão lũ không sạch, nhiều ao tù nước đọng nên nguy cơ sẽ lại tiếp tục bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết có 4 tuýp, lần đầu tiên bị một tuyp nhẹ, lần bị 2 sẽ rất nặng gây ra các nguy cơ nặng gây ra các độc tố làm tổn thương mạch máu, cô đặc máu, gây ra rối loạn đông máu có thể là đông máu hoặc chảy máu, rối loạn vận mạch, tuần hoàn giảm, huyết áp tụt, trụy tim mạch… nhiều trường hợp có thể bị tử vọng.

Biện pháp phòng tránh của chúng ta là phát phát quang bụi rậm, vệ sinh mội trường sạch sẽ, phun thuốc muối, và nếu những ai có nguy cơ thì có thể tiêm vắc xin. Hiện Công ty VNVC đã xin phép nhập vắc xin của Nhật đưa vào tiêm chủng, vắc xin này đã được sử dụng bên Nhật và chứng minh được tính an toàn. Về tác dụng phụ thì có thể cũng giống như vắc xin khác gây đau, áp xe, sốc phản vệ… thế nhưng cũng phải chấp nhận vì lợi ích nhiều hơn rủi ro. Loại vắc xin này có độ an toàn cao.

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Hưng, trao quà tới NLĐ tham gia chương trình.

Phát biểu bế mạc Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Đức Thể - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay đã có trên 20 ý kiến, câu hỏi của đoàn viên, NLĐ huyện Gia Lâm liên quan đến vấn đề ATVSLĐ, chính sách BHXH và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Các ý kiến đã được các chuyên gia trả lời, giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, rõ ràng; qua đó giúp cho đoàn viên, NLĐ nắm được các quy định pháp luật về ATVSLĐ, BHXH và kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng khẳng định: “Sự thành công của buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Huyện ủy Gia Lâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Gia Lâm; sự tâm huyết, nhiệt tình của các chuyên gia, bác sĩ và sự tham gia đông đảo của cán bộ, đoàn viên, NLĐ”.

10h55: Bế mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Bế mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể khẳng định: “Sự thành công của buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách ngày hôm nay là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Huyện ủy Gia Lâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Gia Lâm; sự tâm huyết, nhiệt tình của các chuyên gia, bác sĩ và sự tham gia đông đảo của cán bộ, đoàn viên, người lao động”.