Trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội TRỰC TUYẾN: Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động TRỰC TUYẾN: Đối thoại, giao lưu những chính sách mới về tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới tiền lương và kỹ năng an toàn lao động.

Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các chuyên gia: Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Việt Đức - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

8h15: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, về phía thành phố Hà Nội có ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Về phía huyện Thanh Oai có các đại biểu: Bà Đào Oanh Oanh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo; ông Nguyễn Huy Quý - Phó Trưởng ban Dân vận; ông Kiều Tô Hoài - Phó Chánh Văn phòng huyện.

Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai. Đặc biệt, có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động huyện Thanh Oai.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Các đại biểu dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.
ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Đoàn viên, người lao động tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

8h20: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Khi tham gia vào quan hệ lao động, bất cứ người lao động nào cũng quan tâm đến các quyền lợi dành cho mình, nhất là về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội (BHXH)… Cùng với đó, môi trường làm việc sạch đẹp, an toàn cũng là điều mọi người lao động đều mong muốn.

Tuy nhiên, do các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động thường xuyên được cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; trong khi đó không ít người sử dụng lao động, người lao động bận rộn công việc hoặc vì những lý do khách quan, chưa có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt cập nhật, trong đó có những chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… Điều này đã khiến việc thực thi chính sách pháp luật có nơi, có lúc chưa được hiệu quả và không ít người lao động bị thiệt thòi quyền lợi.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh: “Nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, đặc biệt là những chế độ chính sách mới được điều chỉnh liên quan đến tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tới người sử dụng lao động cũng như người lao động, góp phần để chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động, đẩy lùi tai nạn lao động, trong buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề là “Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động”.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết thêm, để buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất Ban tổ chức mời tới các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, sẵn sàng giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của người lao động. Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ qua cơ hội được trao đổi, đối thoại, mạnh dạn chia sẻ vấn đề của mình, đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia.

8h25: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hảo cho biết, bên cạnh các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, LĐLĐ huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hảo phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn, LĐLĐ huyện đã chủ động tham mưu với Huyện ủy, phối hợp với UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên.

Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật người lao động là rất cần thiết, để họ thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, tự bảo vệ mình và thực hiện tốt pháp luật lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng với người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Thanh Oai đã tích cực phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về “Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2023.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai đề nghị đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp đặt các câu hỏi cụ thể về lĩnh vực pháp luật lao động, quan hệ lao động, các chế độ chính sách, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tại cơ sở để các chuyên gia có kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ kịp thời.

8h30: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh cho biết: Đối thoại trực tiếp và giao lưu trực tuyến là hoạt động thường xuyên do Báo Lao động Thủ đô triển khai dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Cuộc đối thoại hôm nay được Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Thanh Oai tổ chức, với chủ đề “Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động”. Đây là hoạt động thiết thực với phương châm hướng về cơ sở, về người lao động, hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023 và chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Cuộc đối thoại là cơ hội giúp đoàn viên công đoàn, người lao động tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức liên quan đến chính sách về tiền lương, các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động; đồng thời tự bảo vệ mình trước những nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chủ động phòng, tránh các bệnh nghề nghiệp.

“Với ý nghĩa đó, tôi mong rằng các đoàn viên, CNVCLĐ cởi mở trao đổi, chia sẻ để cùng nhau cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

8h35: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Ban tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia của chương trình.
ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Các chuyên gia tham gia giải đáp tại chương trình.

Anh Nguyễn Huy Huỳnh, Công đoàn Quỹ tín dụng nhân dân Dân Hòa hỏi:

Người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra có được đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) không, nếu được đóng mức như thế nào?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với người tạm đình chỉ công việc để điều tra thì sẽ không đi làm, do vậy, việc đóng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động sẽ không được đóng. Còn về BHYT đơn vị vẫn phải đóng bảo hiểm cho người lao động với mức 50%.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Tôi xin phép bổ sung thêm, trong một số trường hợp, người lao động tạm đình chỉ công việc, phải ở nhà như chuyên gia Dương Thị Minh Châu vừa nói thì sẽ không đóng BHXH và các chế độ như vừa giải đáp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động bị điều tra nhưng vẫn đi làm, thì vẫn phát sinh quan hệ lao động, vẫn phải đóng.


Chị Thanh Hải - Công ty cổ phần Diên Hồng hỏi:

Tôi xin chuyên gia giải đáp giúp 3 vấn đề sau:

1, Khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động về công tác an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có bắt buộc phải lấy ý kiến của Công đoàn cơ sở không?

2, Người lao động có quyền rời bỏ nơi làm việc hoặc từ chối công việc và vẫn được hưởng nguyên lương trong trường hợp nào?

3, Người lao động bị nợ BHXH ở công ty cũ thì Công đoàn có hỗ trợ được gì không?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Thanh Hải, Công ty CP Diên Hồng.

Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động về công tác an toàn vệ sinh lao động thì việc xây dựng kế hoạch thực hiện an toàn vệ sinh lao động có nêu rõ phải bắt cuộc lấy ý kiến của Công đoàn cơ sở.

Về câu hỏi thứ 2 của chị, người lao động có quyền rời bỏ nơi làm việc hoặc từ chối công việc và vẫn được hưởng nguyên lương. Cụ thể tại điểm D Khoản 1 Điều 6, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động từ chối công việc khi thấy rõ có nguy cơ ngay lập tức xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về câu hỏi người lao động bị nợ BHXH ở công ty cũ, bạn cần quay lại nơi làm việc cũ để thực hiện chốt sổ bảo hiểm.


Chị Nguyễn Thị Thanh - Công ty cổ phần Tanaphar hỏi:

Người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật người lao động vắng mặt không? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định như thế nào?

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Quy trình xử lý kỷ luật đối với người lao động được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động. Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, đơn vị sử dụng lao động phải gửi giấy thông báo thời gian, địa điểm để tiến hành xử lý kỷ luật cho người lao động được biết.

Phải thông báo trước 5 ngày, nếu lần 1 họ không đến, không có lý do thì phải hoãn, lần 2 cũng vậy, lần 3 người lao động vẫn không đến, lúc này người sử dụng lao động chứng minh được 2 lần trước đó doanh nghiệp đã gửi thông báo mời xử lý kỷ luật cho người lao động, người lao động đã biết mà vẫn cố tình không tham dự, khi đó người sử dụng lao động được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt họ. Đồng thời, quá trình xử lý kỷ luật Ban chấp hành Công đoàn phải có mặt, nếu Ban chấp hành Công đoàn không có mặt thì phải hoãn.


Anh Hoàng Hữu Vĩ - Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà, Mường Thanh hỏi:

Xin hỏi chuyên gia, cơ quan nào có trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh lao động? Trách nhiệm xây dựng các nội quy, quy trình làm việc an toàn đối vơi máy, thiết bị, nơi làm việc?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Bộ Lao động - Thương và Xã hội sẽ là cơ quan ban hành các tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện an toàn vệ sinh lao động. Việc triển khai máy móc, thiết bị với từng đơn vị trong trường hợp máy móc có đặc trưng nhà nước đã được xác định rồi thì Cục An toàn vệ sinh lao động sẽ đưa ra các chuẩn mực trong quá trình vận hành máy.

Trong trường hợp doanh nghiệp nhập máy móc thiết bị, ngoài tuân thủ quy định chung mà còn những đặc trưng riêng của mát móc thì cơ quan đó sẽ đưa ra quy trình, trình tự vận hành máy móc.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Quy định mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động

Chuyên gia Nguyễn Việt Đức bổ sung: Chúng ta cũng cần phải hiểu khái niệm về quy chuẩn và tiêu chuẩn là gì. Quy chuẩn là văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn thì có rất nhiều, tiêu chuẩn chỉ được xem là quy phạm pháp luật khi được nêu trong các văn bản về luật để chúng ta áp dụng.

Về quy chuẩn, theo Khoản 3 Điều 87 Luật An toàn vệ sinh lao động có nêu rõ bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý được Chính phủ phân công sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trường hợp không thống nhất ý kiến, cơ quan chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) chỉ có duy nhất cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) được ban hành.

Về trách nhiệm xây dựng các nội quy, quy trình làm việc, ở Điều 15 Luật An toàn vệ sinh lao động nêu người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Tại Khoản 6, Điều 16 Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định rõ phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy. Đây cũng là điều nhiều doanh nghiệp hay gặp phải và mắc lỗi khi không Việt hóa ngôn ngữ.


Chị Nguyễn Thị Phượng - Công đoàn Trường THCS Cự Khê hỏi:

Xin chuyên gia cho tôi biết, cơ quan tôi hiện đang kê khai BHXH cho người lao động bằng chứng minh thư cũ nhưng giờ thay đổi sang căn cước. Hiện có ứng dụng VssID thì đổi trên ứng dụng như thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với cơ quan BHXH, tất cả các trường hợp các anh chị đang khai báo bằng chứng minh thư cũ, và thay đổi sang căn cước, đề nghị các anh chị tập hợp danh sách và mang báo lại cho cơ quan BHXH. Việc này không ảnh hưởng gì đến quyền lợi người lao động hay quá trình công tác nhưng chúng ta phải điều chỉnh lại vì chúng ta đang đồng bộ với căn cước công dân gắn chíp. Theo đó tiến tới đồng bộ các giấy tờ tùy thân, do vậy chúng ta cần báo lại cơ quan BHXH để cập nhật và đồng bộ.


Chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hà Linh hỏi:

1, Trong quá trình di chuyển từ nhà đến công ty, người lao động tham gia giao thông và bị tai nạn có được coi là tai nạn lao động không? Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động gồm những gì?

2, Người lao động là nhân viên lái xe, trong thời gian làm việc, người lao động gây tai nạn và nạn nhân bị mất sau đó. Vậy có được gọi là tai nạn lao động hay không? Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm gì trong trường hợp này?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hà Linh.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Đối với câu hỏi thứ nhất, trên quãng đường đi làm từ nhà đến công ty hoặc từ công ty về nhà, người lao động bị tai nạn giao thông thì được xác định là tai nạn lao động. Trong quá trình đó, người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí bệnh viện; trong thời gian điều trị, người lao động được hưởng nguyên lương. Sau đó, sau khi thực hiện quy trình giám định thương thật, tùy vào từng mức độ. Người lao động sẽ được hưởng theo quy định.

Đối với câu hỏi thứ 2, người lao động được giao phương tiện, tham gia giao thông gây tai nạn thì không được gọi là tai nạn lao động. Khi đó, người lao động gây tai nạn chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự, bồi thường về việc gây ra tai nạn.

Còn đối với doanh nghiệp giao xe, được xác định là nguyên đơn dân sự. Trong quá trình thiệt hại, về mặt nguyên tắc, người lao động phải chịu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp người lao động chưa có điều kiện kinh tế để thực hiện bồi thường cho người bị nạn. Lúc này, tòa án có thể ra quyết định yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị hại trước. Về khoản tiền này, sau đó người sử lao động có đòi lại từ người lao động hay không là do hai bên thỏa thuận.


Chị Trần Thị Hương Lan - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Cao Viên hỏi:

Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức, người lao động đã có thông báo nghỉ hưu được quy định như thế nào?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Trần Hương Lan, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Cao Viên

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 08/2013 của Bộ Nội vụ quy định chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu, nếu trong thời gian giữ bậc đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 08, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.


Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường Mầm non Cao Dương 2 hỏi:

Trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi có kê khai thông tin cá nhân để bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có, mong các chuyên gia giải thích rõ hơn về vấn đề này? Trong ngành giáo dục có được hưởng lương tháng thứ 13 không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thời điểm Covid-19 có rất nhiều văn bản Nghị định về hỗ trợ người lao động, tuy nhiên thông tin chị nêu chưa rõ về việc hưởng trợ cấp Covid-19 thực hiện theo Nghị định nào. Hiện nay các Nghị định này đều đã dừng thực hiện.

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chuyên gia trả lời trực tiếp câu hỏi của NLĐ

Theo quy định thời gian nộp hồ sơ là đến hết ngày 31/12/2021, nếu đơn vị chưa nộp hồ sơ trước ngày đó thì cơ quan BHXH không thực hiện. Có một loạt đối tượng công chức, viên chức sẽ không được hưởng trợ cấp. Nếu trường chị mầm non là trường công lập và là công chức viên chức thì sẽ không được hưởng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Lương tháng 13 bản chất là tiền thưởng, chưa có văn bản quy định rõ về nội dung này. Nếu trong trường hợp là viên chức, người lao động ngành giáo dục theo hợp đồng làm việc, tiền lương tháng thứ 13 là do người lao động và đơn vị tự thỏa thuận dựa trên quá trình hoạt động, tự hoạch toán thu chi của đơn vị để quyết định người lao động có được hưởng hay không.


Chị Trương Thị Dung - Công ty may DHA hỏi:

1, Tôi ký hợp đồng lao động ở bộ phận đóng gói, sau vài tháng công ty chuyển tôi sang bộ phận sơ chế. Vậy tôi xin hỏi, công ty tôi làm vậy có đúng không?

2, Lương tháng 13 được hiểu thế nào. Lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Trương Thị Dung, Công ty may DHA

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Về câu hỏi thứ nhất của chị, khi mới vào doanh nghiệp, ban đầu làm vị trí A, sau vài tháng bị chuyển sang làm ở vị trí B. Câu hỏi chị vừa hỏi chưa có cụ thể về 3 vấn đề sau đó là: Về việc tiền lương ở 2 vị trí có bằng nhau không; điều kiện làm việc có như nhau không và khi ký hợp đồng lao động, có quy định về việc chỉ làm ở 1 vị trí hay không?

Từ 3 yếu tố trên, người lao động có thể trao đổi lại với người sử dụng lao động để có giải đáp chính xác nhất.

Về câu hỏi thứ 2, hiện tại chưa văn bản nào quy định cụ thể về lương tháng thứ 13. Chủ yếu là do thỏa thuận của người người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Tương tự, việc lao động thử việc có được hưởng lương tháng 13 không thì cũng tùy thuộc vào thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.


Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Tiểu học Kim Thư hỏi:

1, Chồng tôi công tác tại một doanh nghiệp, đã đóng bảo hiểm 12 năm 7 tháng sau đó do tính chất công việc nên chồng tôi chuyển sang doanh nghiệp thứ hai. Ở doanh nghiệp mới, đơn vị đã đóng bảo hiểm 6 tháng sau đó doanh nghiệp dừng đóng và giải thể. Chồng tôi cũng dừng công việc ở doanh nghiệp này. Sau này chồng tôi muốn đóng bảo hiểm nhưng chưa chốt được bảo hiểm ở doanh nghiệp thứ hai, làm sao để chồng tôi có thể tiếp tục đóng BHXH?

2, Ở trường tôi có 4 thầy cô đã đủ điều kiện để thi thăng hạng 2 nhưng chúng tôi đang hưởng chế độ tiền lương hạng 3 cũ. Giờ chúng tôi phải làm như thế nào?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thật ra đơn vị giải thể thì người lao động có thể đến trực tiếp cơ quan BHXH huyện để chốt thời gian đóng đủ BHXH. Đóng tiếp tục thì không lý do gì chúng tôi không cho chị đóng. Trường hợp này tôi hiểu đơn vị thứ hai như chị nói thì vẫn chưa báo giảm lao động, chúng tôi không có căn cứ để khẳng định chị đã chấm dứt hợp đồng lao động. Ở đây, phải làm rõ đơn vị đã báo giảm cho chị chưa, nếu vẫn còn ở đơn vị cũ thì không thể xử lý được. Việc này cần có sự phối hợp của chủ sử dụng lao động để họ báo giảm cho mình.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Việc nâng hạng, hiện có Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (30/5), thì chúng ta có thể rõ nhất điều kiện tiêu chuẩn để chúng ta nâng lương, nâng hạng.


Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Trường Mầm non Kim Thư hỏi:

Có cô giáo đi làm từ năm 1995, đóng bảo hiểm từ năm 2003 - 2013, sau có thời gian đóng truy thu bảo hiểm lật lại từ năm 1995 và cô giáo đã đóng truy thu. Tuy nhiên không được hưởng chế độ thâm niên nghề, theo quy định như vậy đúng hay là sai?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, trường tiểu học Kim Thư.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trước đây giáo viên mầm non chỉ được tính từ khi vào biên chế, do vậy năm 2003 chị này có quyết định là giáo viên mầm non vậy thời điểm tính của chị là năm 2003. Để tạo điều kiện, có quy định là cho phép truy thu bảo hiểm giáo viên mầm non làm theo hợp đồng chưa được công nhận làm chính thức. Phần truy thu dựa trên hợp đồng đã ký hoặc dựa trên mức lương cơ sở, đại đa số mọi người sẽ lựa chọn truy thu dựa trên lương cơ sở.

Về hưởng thâm niên thì chỉ tính khi được công nhận chứ không phải tính thời gian truy thu, do vậy chị này được tính thâm niên từ năm 2003 là hoàn toàn đúng quy định.


Chị Nguyễn Thị Nga - Trường Mầm non Bình Minh hỏi:

1, Chế độ ốm đau đối với lao động nữ được hưởng như thế nào?

2, Người lao động kiêm nhiệm 2 vị trí quản lý thì được hưởng chế độ như thế nào?

3, Năm học 2020 - 2021, Trường tôi có 1 giáo viên hiến đất cho quê hương mở đường, được công nhận danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố. Tuy nhiên, người lao động không được tăng lương trước thời hạn. Xin hỏi như vậy có đúng không?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh tặng quà cho CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tôi xin trả lời trước câu hỏi của chị về việc người lao động đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố nhưng không được nâng lương trước thời hạn, thì điều này là đúng. Bởi vì, danh hiệu “Người tốt việc tốt” không nằm trong quy định được tăng lương trước thời hạn. Đây là danh hiệu, còn nâng lương sớm là xem xét các trường hợp khen thưởng.

Về chế độ ốm đau, với nữ, có 2 chế độ ốm đau được hưởng đó là: Bản thân ốm và con ốm. Trong 2 trường hợp này, người lao động đều được nghỉ hưởng lương, BHXH thanh toán. Tuy nhiên, với điều kiện: Trường hợp nằm viện phải có giấy ra viện, người điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận để hưởng BHXH. Trong trường hợp con ốm, phải ghi tên trong giấy hưởng BHXH cả tên bố, mẹ để cả bố và mẹ đều được hưởng BHXH.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Câu hỏi về người lao động kiêm nhiệm 2 vị trí quản lý lãnh đạo thì phụ cấp chức vụ được tính theo phụ cấp cao nhất và hưởng thêm mức phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp cơ quan này bổ nhiệm biên chế người đứng đầu. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đảm nhận 2 vị trí nhưng chỉ được hưởng ở 1 vị trí cao hơn. Do vậy, tùy theo mức quản lý, chi tiêu của từng đơn vị.


Anh Hoàng Văn Hướng - Công ty TNHH sản xuất nhựa Việt Nhật hỏi:

Với người lao động trong công ty, trong quá trình lao động bị tai nạn và liệt toàn thân, phải nhờ người thân chăm sóc, thì bên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm gì? Thủ tục giấy tờ gì để người lao động được hưởng quyền lợi?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Bà Đào Oanh Oanh - Phó Trưởng ban Tuyên Giáo huyện ủy Thanh Oai tặng quà cho đoàn viên trả lời đúng câu hỏi giao lưu

Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Người lao động bị tai nạn lao động bị liệt toàn thân, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định rõ trong Luật ATVSLĐ. Cụ thể, người lao động sẽ được hưởng bồi thường tai nạn lao động được xác định từ thời điểm trong thời gian điều trị, người sử dụng lao động trả toàn bộ tiền lương, ít nhất trong 6 tháng liền kề cho người bị tai nạn cho đến khi điều trị ổn định.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cần làm thủ tục giám định sức khỏe cho người lao động. Sau khi có kết quả mới có thể tiến hành các chế độ tiếp theo. Nếu người lao đông ảnh hưởng sức khỏe trên 31% thì hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, căn cứ theo số năm đóng bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp cộng với mức lương thì sẽ ra công thức tính.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Lưu ý trong tai nạn lao động, sau khi thành lập đoàn điều tra giám định tai nạn lao động, đưa người bị tai nạn đi giám định y khoa, khi có kết luận người lao động bị mất sức bao nhiêu % thì tiến hành nộp đơn cho cơ quan BHXH kèm theo công văn đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ tai nạn lao động. Trường hợp như anh nói, sẽ được thêm trợ cấp người phục vụ hiện được khoảng 1,8 triệu.


Chị Nguyễn Thị Ngọc - Công ty Kona hỏi:

1, Công nhân làm việc ở môi trường cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 6 - 7 độ thì có được hưởng phụ cấp bồi dưỡng nặng nhọc độc hại bằng hiện vật không?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Bà Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai tặng quà cho đoàn viên

Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Điều kiện bồi dưỡng nặng nhọc độc hại là người lao động làm công việc, ngành nghề thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại theo Thông tư số 11 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Song song với đó là phải có điều kiện thứ 2 là trong quan trắc môi trường lao động, phải có ít nhất 1 yếu tố vượt ngưỡng cho phép. Khi có 2 điều kiện đó, doanh nghiệp mới bắt buộc phải phụ cấp bồi dưỡng nặng nhọc độc hại bằng hiện vật cho người lao động.

Hiện có 4 mức bồi dưỡng, mức 1 là 13.000 đồng, mức 2 là 20.000 đồng, mức 3 là 26.000 đồng và mức 4 là 32.000 đồng. Căn cứ các mức tiền này người sử dụng lao động phối hợp với cơ sở y tế xác định yếu tố nguy hại quy đổi ra hiện vật, thực phẩm để khôi phục sức khỏe cho người lao động. Nếu chưa đủ các điều kiện, yếu tố trên, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp cố gắng bồi dưỡng người lao động trong điều kiện môi trường lao động có nhiều biến ở mức 1 là 13.000 đồng. Điều đó phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

2, Người lao động từ 15 - dưới 18 tuổi có thể làm được những công việc gì?

Luật sư Nguyễn Văn Hà: 15 tuổi là độ tuổi rất đặc thù, Bộ luật Lao động quy định rất rõ ràng đối với các mức tuổi từ 13 - 15 tuổi và từ 15 - 18 tuổi, trên 18 tuổi. Một số ngành nghề trẻ 15 tuổi - dưới18 tuổi có thể tham gia như các nghề liên quan biểu diễn nghệ thuật, xiếc; vận động viên thể thao; lập trình phần mềm; viết văn, viết báo; ngành nghề thủ công mỹ nghệ, làm gốm, dệt chiếu…; đơm chỉ, may vá; làm sân vườn; chăn thả gia súc ở nông trường…

Trong Luật không có hợp đồng thời vụ, chỉ có hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng có xác định thời hạn, doanh nghiệp có thể căn cứ thời gian công việc để thực hiện giao kết hợp đồng với lao động 15 tuổi, trong đó lưu ý phải đảm bảo điều kiện nhất định trẻ có thể làm việc, không cho tuyển dụng ồ ạt và phụ thuộc vào sức khỏe của đứa trẻ…


Chị Nguyễn Huyền Nhung - Trường Tiểu học Bình Minh A hỏi:

Trường tôi có một giáo viên ký Hợp đồng 68, hiện đã hết bậc lương và chi trả vượt khung. Vậy khi ủng hộ một ngày lương có phải tính cả tiền phụ cấp không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện chưa có văn bản nào quy định bắt buộc phải ủng hộ như thế nào. Ủng hộ là quyền của quyền mỗi người, là tự nguyện. Tuy nhiên, chúng ta thường kêu gọi công nhân, viên chức, người lao động ủng hộ 1 ngày lương, nếu ngày lương của chúng ta bao gồm những cái gì thì chúng ta ủng hộ cái đó.


Chị Nguyễn Thị Kim Hoa - Trường Mầm non Kim Thư hỏi:

Thời gian vừa qua nhà trường xét thi đua, một cô giáo có nghỉ phép 10 ngày và bị xếp ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Nhà trường giải thích, cô giáo nghỉ phép quá số ngày quy định theo quy chế thi đua đã được thông qua trong hội nghị viên chức của nhà trường, do vậy, cô giáo này chỉ được xếp ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Xin hỏi chuyên gia, như vậy có đúng không?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chuyên gia, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Chúng ta phải đặt ra 2 góc độ, một là góc độ pháp luật, hai là việc phát động các phong trào thi đua. Ở góc độ pháp luật, giáo viên nghỉ 3 tháng hè, được hưởng nguyên lương và nghỉ phép năm là quy định pháp luật. Còn ở việc phát động thi đua của nhà trường, điểm thi đua là thành tích để chúng ta tính trong 1 chương trình đề ra. Còn quy định về quyền lợi, người lao động thì sẽ vẫn được hưởng.


Chị Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Cao Viên 2 hỏi:

1, Những nhóm đối tượng nào được áp dụng tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023, mức tăng cụ thể như thế nào?

2, Khi xét tuyển viên chức đối tượng nào phải kiểm định đầu vào?

[HÌNH ẢNH]: Đối thoại trực tiếp chính sách mới về tiền lương và kỹ năng an toàn lao động
Chị Nguyễn Thị Thủy, Trường Mầm non Cao Viên

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Từ tháng 7/2023, tăng lương với toàn bộ các trường hợp đang hưởng chế độ lương theo hệ số nhà nước.

Đối với những trường hợp đóng BHXH, lương theo hợp đồng lao động đang trên 20 lần lương cơ sở, những trường hợp này có lương cao hơn đơn vị sẽ khai báo và người lao động sẽ được hưởng đóng BHXH ở mức cao hơn.

Đang có văn bản dự kiến điều chỉnh cho các đối tượng đang hưởng hưu trí, mất sức lao động hàng tháng tiếp tục điều chỉnh tăng thêm cho bằng mức lương cơ sở thời điểm này.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Kiểm định chất lượng đầu vào chỉ áp dụng đối với công chức. Theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về đối tượng đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những người tham gia tuyển dụng vào vị trí cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; đối cấp xã, phường, thị trấn không áp dụng đối với Nghị định này.

Người có đủ các điều kiện: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển thì được đăng ký dự tuyển công chức.


Chị Nguyễn Thị Mai Hiên - Công ty thể thao Bách Hiền hỏi:

Công ty tôi có anh A đang đóng BHXH được 23 năm, vậy anh có thể về hưu sớm và có thể rút BHXH một lần không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Để hưởng lương hưu có 2 điều kiện: Tuổi đời và số năm đóng BHXH. Số năm đóng BHXH hưởng hưu tối thiểu đủ 20 năm không có tối đa.

Điều kiện tuổi đời, hiện nay nam về hưu ở 60 tuổi 9 tháng, nữ 56 tuổi, có thể về hưu sớm 5 tuổi so với tuổi hàng năm với điều kiện phải đi giám định y khoa, suy giảm khả năng lao động, mất sức từ 61% trở lên. Đó là với các trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường.

Điều kiện giải quyết BHXH một lần phải dưới 20 năm đóng BHXH hoặc mắc 6 bệnh hiểm nghèo. Khi giải quyết BHXH một lần là dời khỏi lưới an sinh, không có BHYT, không được hưởng trợ cấp gì liên quan đến người lao động.

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Sau khoảng thời gian hơn 2 giờ, buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến đã thành công tốt đẹp và hết sức sôi nổi. Tại buổi Đối thoại, giao lưu hôm nay, Ban tổ chức đã nhận được trên 30 câu hỏi trực tiếp tại hội trường với nhiều câu hỏi “kép” liên quan thiết thực với người lao động. Cùng với đó, Báo cũng nhận được nhiều câu hỏi gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của Báo Lao động Thủ đô. Điều này cho thấy hiệu quả của chương trình rất cao.

Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc.