Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có 3 dự án đạt giải SV_STARTUP 2023
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp tổ chức nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
SV_STARTUP nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.
Sự kiện còn là dịp để tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải nhì với dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nến nông nghiệp tuần hoàn” ở lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp |
Tại cuộc thi lần này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có 3 dự án tham gia và đạt giải nhì tại lĩnh vực tham gia thi, gồm: Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” của sinh viên Biện Công Đoàn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Minh Duy tham gia lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp.
Dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” của nhóm sinh viên Trần Vũ Hoài An, Phan Văn Hoài Luân, Huỳnh Quí Nguyệt, Trương Ái Vy tham gia lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội. Hai dự án này do ThS. Huỳnh Văn Hiếu – Giảng viên ngành Công nghệ Sinh học hướng dẫn.
ThsS. Huỳnh Văn Hiếu, giảng viên hướng dẫn 2 dự án "Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio" và "Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn". |
Dự án “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ ” của sinh viên Trịnh Công Qui, Phạm Quỳnh Thương tham gia lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp do ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương – Giảng viên khoa Dược hướng dẫn.
Cả 3 dự án đang được ươm tạo tại Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, do ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp và các Mentor là các chuyên gia: Bà Bùi Thị Thủy Tiên – Founder, CEO Vườn ươm khởi nghiệp Việt và TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Kinh tế số hỗ trợ ươm tạo.
Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải nhì với dự án "Ứng dụng vỏ cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ" ở lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp. |
Các dự án này đã vượt qua các vòng thi để bước vào chặng 1 Vòng chung kết của cuộc thi, tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu các dự án khởi nghiệp. Sau phần thi gian hàng trưng bày, cả 3 dự án của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã được ghi tên tại TOP30 dự án vào chặng 2 vòng chung kết, bước vào phần thi thuyết trình dự án trước Ban giám khảo. Trải qua phần thi thuyết trình căng thẳng trên sân khấu, 3 dự án đã xuất sắc đạt giải nhì tại lĩnh vực tham gia thi.
Theo Ban tổ chức, SV_STARTUP 2023 có 508 dự án tham dự ở 5 lĩnh vực. Qua đó, chọn được 80 dự án tham dự vòng chung kết. Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các đội đoạt giải, gồm: 5 giải Nhất khối sinh viên, 5 giải Nhất khối học sinh, 10 giải Nhì khối sinh viên, 10 giải Nhì khối học sinh, 15 giải Ba khối sinh viên, 15 giải Ba khối học sinh, 20 giải khuyến khích cho 20 đội thi và 4 giải phụ cho 4 đội thi.
Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2.500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã đươc tổ chức. Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở GD&ĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp 5 năm qua được duy trì ở mức cao. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V được Bộ GD&ĐT tổ chức với mục đích tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; tuyển chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao và kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. |
Bình luận