Tỷ phú Peter Tan: Startup đừng chỉ kinh doanh ở Việt Nam, hãy nghĩ tới châu Á
Mới đây, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã tổ chức lễ phát động cuộc thi "Tài năng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" dành cho sinh viên. Đây là cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm tài năng có tư duy, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người trẻ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Các lĩnh vực dự thi gồm Công nghiệp, chế tạo thực phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội. Các dự án mang đến cuộc thi cần hướng đến giải pháp để giải quyết những khó khăn của cộng đồng, xã hội liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tỷ phú Peter Tan cho rằng, startup khi khởi nghiệp phải nghĩ đến việc chính phục cả Châu Á. |
Chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi "Tài năng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023", tỷ phú Peter Tan, Giám đốc điều hành Công ty Millionaireasia khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, hiện nay ngành kinh doanh đang thay đổi từng ngày, từ trực tiếp sang trực tuyến, rồi sang blockchain (chuỗi). Hiện nay, livestream work (làm việc thông qua phát trực tiếp) đang trở nên phổ biến. Nên việc người trẻ dấn thân vào kinh doanh khởi nghiệp phải nắm bắt được xu hướng phát triển của công nghệ trong kinh doanh.
Ông Peter Tan cho rằng, khởi nghiệp không hề dễ dàng. Do đó, sinh viên cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, sáng tạo... Ông đã chuyển tải nhiều từ khóa quan trọng cho việc khởi nghiệp như Idea (ý tưởng), Money (tài chính), Network (sự kết nối), Family (sự ủng hộ của gia đình)...
Về ý tưởng khởi nghiệp, ông Peter Tan cho rằng, các ý tưởng mà sinh viên nhen nhóm cần phải được kiểm chứng. Trong đó, ý tưởng phải là ý tưởng của cá nhân, không được vay mượn, chắp vá. Đồng thời, ý tưởng này cũng cần có sự cạnh tranh cao. Sự cạnh tranh cao nằm ở chỗ, sản phẩm có thể giống những sản phẩm khác trên thị trường, nhưng cần có sự ưu việt hơn hẳn; làm được những gì đối thủ không thể làm.
Sinh viên UEF chia sẻ những thắc mắc của mình tại lễ phát động. |
"Là chủ tịch của nhiều câu lạc bộ ở các trường đại học, hàng tháng, tôi sẽ gặp 20 team khởi nghiệp để làm người hướng dẫn. Câu hỏi đầu tiên của tôi luôn là: sản phẩm của bạn có cạnh tranh hay khác biệt không? Nếu 2 yếu tố này đều không có, tôi sẽ dự án đó bỏ cuộc. Bất cứ sản phẩm nào mà bạn thực hiện, hãy nghĩ kỹ về 2 yếu tố này", ông Peter Tan chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Peter Tan cũng nhấn mạnh về tạo dựng mối quan hệ và kết nối trong khởi nghiệp. Theo đó, mối quan hệ là tài sản quý giá của những người khởi nghiệp. Mối quan hệ sẽ giúp mở rộng hiểu biết, đem đến một người hướng dẫn tận tâm, nguồn vốn đầu tư cho những ý tưởng... Ông Peter Tan đánh giá: "Giá trị của bản thân bạn được tính bằng sự hữu ích của những mối quan hệ quanh bạn".
"Sẽ luôn có những mối quan hệ để hỗ trợ tốt cho chúng ta trong mọi việc. Khi chúng ta làm khởi nghiệp, đừng nghĩ chỉ kinh doanh ở đất nước mình, mà phải nghĩ rộng ra cả châu Á hay toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, hãy nghĩ tới việc tiếp cận với 3 tỷ người của châu Á hoặc là hơn thế nữa", ông Peter Tan nhấn mạnh.
Cuộc thi "Tài năng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" sẽ diễn ra từ ngày 28/3 đến 3/6/2023, gồm ba vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết. Bằng những tiêu chí đánh giá chuyên môn và tính thiết thực của dự án, vòng sơ tuyển sẽ chọn ra 30 sản phẩm dự thi vào vòng bán kết. Tại vòng thi này, các cá nhân, đội thi sẽ tiến hành trưng bày và thuyết trình dự án để tìm ra 10 cá nhân, đội thi xuất sắc nhất bước vào chung kết tranh giải quán quân. Sinh viên, nhóm sinh viên đạt giải cao tại cuộc thi sẽ được cử đi thi các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia, quốc tế. Song hành với cuộc thi, ban tổ chức cũng mời các chuyên gia là doanh nhân thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau để tham gia tập huấn, đào tạo về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng gọi vốn…, đồng thời truyền lửa, truyền các tinh thần tích cực cho sinh viên khởi nghiệp. |
Bình luận