Tăng kết nối các điểm đến du lịch về nguồn Miền đất cộng hưởng những giá trị lịch sử, thiên nhiên, văn hóa Phát triển du lịch phải gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

Theo cuốn sách “Các Nhà Khoa bảng, thi thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075-2015”, huyện Thường Tín có 68 nhà khoa bảng được vinh danh trong sử sách. Là huyện có nhiều nhà khoa bảng nhất thành phố Hà Nội.

Xưa kia, Thường Tín có một Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ các bậc hiền tài khoa bảng thủa xưa của huyện do tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng vào năm 1695.

Văn Từ Thượng Phúc nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử
Văn Từ Thượng phúc nơi thờ các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín. (Ảnh: X.Tiến)

Theo hệ thống văn bia còn lại ở Văn Từ Thượng Phúc, thuộc thôn Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) và thác bản văn bia của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Viện Hàn Lâm, thì Văn Từ Thượng Phúc là do tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng tại xã Yên Duyên (tổng Tín Yên, nay thuộc thôn Yên Duyên xã Tô Hiệu, Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 - 1695.

Song hành với việc xây dựng Văn Từ, ông Dương Công Độ soạn văn, khắc lên trụ bia đá có bốn mặt chữ về tên tuổi các nhà Khoa bảng Đại khoa - Tiến sĩ của huyện Thượng Phúc.

Năm 1755, Văn Từ bị xuống cấp, ông Nguyễn Quân - Chi huyện Phúc Xuyên, người xã La Phù, đã tu sửa lại. Sau đó, ông Đinh Quân - Giáo thụ phủ Lý Nhân xây dựng tòa Tiền Đường. Tiếp đó, ông Chi huyện Hoài An, cũng về tu sửa cho Văn Từ Thượng Phúc uy nghi lộng lẫy.

Tuy nhiên, đất khuôn viên Văn Từ lúc này hẹp, đất Yên Duyên khá heo hút, nên đến mùa lễ hội hay vắng vẻ. Vùng đất này lại thấp, đến cuối mùa thu hay lụt lội, nên tế lễ thường không đúng được ngày.

Năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức, tường Văn Từ bị nước cuốn trôi. Năm Nhâm Thân - 1812, Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc đã bàn tính, rồi chuyển Văn bia, đồ thờ… của Văn Từ này địa phận thôn Văn Hội, xã Văn Gáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, Xã Văn Bình).

Thái Thú Cao Hữu Sung, cùng với các Vương môn Văn Thân đứng lên xây dựng. Thái Thú Hoàng Quân Thụ đứng lên trông coi việc xây dựng và khuyên góp tiền. Mùa đông năm Canh Tý khởi công, tròn một năm tu sửa xong. Tuy nhiên, kinh phí thì lớn hơn rất nhiều lần so với trước kia. Sáu mươi năm sau, ngôi Văn từ này được trùng tu, 20 năm kế tiếp lại được tu sửa.

Trong những năm kháng chiến, ngôi Văn Từ bị xuống cấp trầm trọng. Do ảnh hưởng chiến tranh, rất nhiều Văn Bia nơi đây đã bị chôn trong khu vườn bên cạnh.

Nhằm bảo tồn, lưu giữ những giá trị của các công trình mang ý nghĩa lịch sử, ngày 24/11/2019, UBND huyện Thường Tín khởi công Dự án xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc có vị trí tại thôn Văn Hội.

Văn Từ Thượng Phúc nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử
Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, huyện Thường Tín ngày nay.

Dự án xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, có tổng diện tích 3.516m2, trong đó diện tích xây dựng công trình 622m2; cây xanh, thảm cỏ, mặt nước 1.433m2, đất giao thông 1.463m2. Các hạng mục công trình gồm: Nhà Văn Từ, nhà khách, nhà đón tiếp, Hồ sen, sân vườn, tường rào và một số hạng mục khác...

Sau hơn 1 năm thi công cải tạo và xây dựng, công trình đã được đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, 100% bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị tuyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, huyện Thường Tín ngày nay, khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng đại khoa, các nhà tri thức khoa cử của huyện. Tại Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa.

Hằng năm, vào dịp đầu xuân (ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Khai bút được tổ chức tại đây. Đặc biệt, những mùa thi, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách về xin chữ, tham quan, du lịch, cùng với đó là những ước mơ kỳ vọng cho việc học tập thành công trong tương lai của các sĩ tử.

Văn Từ Thượng Phúc nơi ghi danh các nhà khoa bảng, đây thực sự được coi là những biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiếu học, những tấm gương sáng, tạo động lực cho thế hệ người Thường Tín, đặc biệt là thế hệ trẻ noi gương học tập, kế tục phát huy những tinh hoa của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế.