Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề phát triển Cần chính sách hỗ trợ để phát triển cụm công nghiệp làng nghề Học tập kinh nghiệm từ mô hình kinh tế tiêu biểu tại huyện Thường Tín

Làng nghề làm lược sừng ở xã Thụy Ứng được hình thành cách đây hơn 400 năm vào giữa thế kỷ XVI, do vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy. Những chiếc lược sừng trâu, bò vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Mỳ (Làng nghề lược sừng Thụy Ứng) cho biết, để làm ra một sản phẩm bằng sừng trâu, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ khi mua sừng về đến chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt.

Về làng nghề lược sừng Thụy Ứng
Hiện nay, sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng.

Sừng trâu mua về phải được rút lõi cứng ra, sau đó hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm. Tiếp theo, người thợ dùng máy ép thủy lực để ép sừng cho bẹp, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi, người thợ sẽ chế tác thành các sản phẩm như: Lược, thìa, bát, móc khóa, trâm cài tóc...

Các sản phẩm thô này sau đó được đánh bóng và cuối cùng sẽ có mầu đen bóng tự nhiên. Sừng bò cũng được chế biến tương tự như sừng trâu, nhưng sẽ có mầu vàng đặc trưng. Vì vậy, sừng bò chủ yếu được dùng để làm các sản phẩm mỹ nghệ.

Từ những chiếc sừng trâu, sừng bò tưởng như bỏ đi, bằng sự tìm tòi, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những người thợ ở Thụy Ứng đã cho ra đời nhiều sản phẩm cực kỳ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao như: Tác phẩm Long Phương kỳ duyên, song hổ tranh đấu, bức tranh lục bình… hay những bộ đầu bò châu Phi với cặp sừng vút cong ngạo nghễ, rất được du khách, bởi chúng được chế tác hoàn toàn thủ công.

Những năm gần đây, do nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, nên các sản phẩm của làng nghề làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đấy. Đã có thời điểm, hàng lược sừng khan hiếm trên thị trường do làng nghề sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường.

Những chiếc lược sừng của Thụy Ứng từ thời đó đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng khắp từ Bắc vào Nam, vươn ra nước ngoài tới các nước Đông Nam Á và Đông Âu.

Đến nay, để hiện đại hoá trong mọi khâu, người thợ Thụy Ứng đã áp dụng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp như: dùng máy cưa để cắt sừng; dùng máy thủy lực ép các đoạn sừng và móng sừng thành phôi (những bản đã được ép phẳng); dùng cưa để tách phôi; dùng khuôn mẫu các loại lược để cắt bằng máy; dùng mô-tơ chuốt bóng sản phẩm…

Nhiều cơ sở sản xuất của làng hiện nay đã cử người đi học đồ hoạ, học tin học… đến nay đội ngũ thợ có nghề tốt nghiệp cao đẳng, đại học phục vụ trong làng nghề đã lên tới vài trăm người. Đây là lớp kế cận vững chắc của làng nghề, bởi trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc nâng cao trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn cho người làng nghề là rất cần thiết.

Về làng nghề lược sừng Thụy Ứng
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mỳ cho biết, không chỉ có lược sừng, hiện nay các mặt hàng của làng nghề Thụy Ứng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu mã.

Nếu như trước đây, sản phẩm chính của làng nghề Thụy Ứng là lược sừng thì hiện nay các mặt hàng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu như: Thìa, dĩa, muôi, đồ trang sức (vòng đeo tay, đeo tai...). Ngoài nguyên liệu sừng, người thợ Thụy Ứng còn tận dụng các phần khác của trâu, bò để tạo ra các sản phẩm: Dây lưng, bàn chải, túi xách...

Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: Hầu hết, các hộ ở Thụy Ứng đều làm lược và chế tác đồ mỹ nghệ, khoảng 80% số hộ làm nghề lược sừng, 20% làm lược gỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lớn.

Thời điểm hiện tại, làng Thụy Ứng có khoảng 600 hộ gia đình (chiếm 60%) tổng số hộ làm nghề sừng. Ðặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.

Mặc cho thời gian cứ trôi, nghề điêu khắc sừng ở làng nghề Thụy Ứng vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi thế hệ đều có tính kế thừa và sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ngày nay, bất cứ du khách nào đến thăm Thụy Ứng cũng sẽ nhận thấy nghề điêu khắc sừng đang ngày càng phát triển bởi chính những người thợ đã luôn giữ lửa truyền thống cho nơi đây.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định công nhận làng lược sừng Thụy Ứng là điểm du lịch làng nghề. Theo Quyết định này, Ủy ban nhân dân xã Hòa Bình sẽ chịu trách nhiệm quản lý, khai thác hiệu quả và phát triển làng nghề lược sừng Thụy Ứng; phối hợp với các Sở, ngành đưa Thụy Ứng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.