Nhiều băn khoăn xung quanh đề xuất thời hạn sở hữu căn hộ chung cư Khó giải quyết vướng mắc cải tạo chung cư cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh Người lao động mong có nhà ở giá rẻ

Bộ Xây dựng cho biết đề xuất nêu trên cũng được tham khảo dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc quy định thời hạn sở hữu từ 50-70 năm; Thái Lan quy định thời hạn sở hữu là 30 năm. Tuy nhiên, với quan điểm nhà ở là tài sản vô cùng lớn của mỗi gia đình người Việt, thậm chí là tích cóp cả đời mới có, việc áp dụng niên hạn đối với nhà chung cư tạo ra nhiều lo lắng.

Chị Hoàng Ngọc Bích (Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, với thu nhập hiện nay của những gia đình trẻ, việc mua được một căn nhà mặt đất đôi khi là “không tưởng”, cho nên họ đặt nhiều hy vọng vào chung cư. Tuy nhiên, không phải ai mua chung cư cũng “mua đứt” được, mà lại phải trông chờ vào gói vay trả góp.

Hiện nay, các gói vay tín dụng đã lên tới thời hạn 30 năm. Như vậy, người dân phải trả số tiền trả góp gần bằng số tiền đi thuê một căn hộ tương tự trong suốt 30 năm. Nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư thì sau khi ròng rã 30 năm kéo cày trả nợ, người dân chỉ còn sở hữu căn hộ của chính mình 20 năm nữa (nếu thời hạn quy định 50 năm).

Dù theo đề xuất của Bộ Xây dựng có nhiều phương án tái định cư nhưng về cơ bản từ nay đến 50-70 năm nữa, không biết sẽ ra sao. Còn chưa kể với nhà chung cư có thời hạn, người sở hữu sẽ khó bán cho người mua, người mua cũng không mặn mà mua chung cư sắp “hết đát”.

Chị Bích cũng chia sẻ, sau gần 10 năm làm việc và đi thuê nhà ở, hai vợ chồng chị cũng tích cóp được vài trăm triệu đang định mua chung cư trả góp. Nhưng sau khi nghe thông tin này cũng chưa dám quyết định mua chung cư.

Việc áp dụng niên hạn đối với nhà chung cư sẽ tạo ra nhiều lo lắng
Nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng, bất an vì viễn cảnh "mất nhà" sau khoảng 50 năm. (Ảnh minh họa: BT)

Cùng bày tỏ sự lo lắng như chị Hoàng Ngọc Bích, anh Hà Quốc Huy (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi sẽ không mua nhà chung cư có niên hạn, dù rẻ đến mấy. Mà tôi tin rằng cũng khó có thể rẻ được khi các nhà đầu tư vẫn phải xây dự án theo giá vật liệu thị trường. Còn các phương án tái định cư hay tái định cư tại chỗ thì từ nay đến mấy chục năm nữa còn xa lắm, người dân Việt Nam ăn chắc, mặc bền sẽ không “thả gà ra đuổi” như vậy”.

Hiện nay, số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trong cả nước là hơn 3.000 tòa nhà cao tầng, hầu hết là các dự án chung cư, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công tác an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Nhà chung cư có ưu điểm là hệ số sử dụng đất cao, tuy nhiên, chung cư cũng có nhiều nhược điểm như bảo trì, sửa chữa khó hơn, nhất là khi tuổi thọ của công trình đã hết, phải tiến hành cải tạo, xây dựng lại.

Hiện mới chỉ có 1% số nhà chung cư xuống cấp được cải tạo lại trong gần 20 năm qua. Nhiều trường hợp nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân nhưng rất khó khăn trong việc di dời, phá dỡ để xây dựng lại.

Nhằm khắc phục những nhược điểm trên, Vừa qua, khi trình Chính phủ về hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay. Ngay sau khi đề xuất nêu trên được công bố, rất nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng, bất an vì viễn cảnh "mất nhà" sau khoảng 50 năm.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ, năm nào cũng có rất nhiều sản phầm, đặc biệt sản phẩm nhà ở chung cư. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển này.

Thứ nhất, về mức giá cùng một vị trí và tiện ích nhưng giá nhà chung cư chỉ bằng 25-35% so với nhà mặt đất nên lựa chọn chung cư phù hợp với gia đình trẻ. Thứ hai, nhu cầu sống của người dân đang cao lên, trong khi phân khúc nhà ở chung cư cao cấp lại thoả mãn được nhu cầu này. Do đó, sản phẩm chung cư phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đồng thời đây cũng sẽ là sản phẩm chủ đạo của thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, việc Bộ Xây dựng dự thảo Luật Nhà ở, trong đó áp niên hạn sở hữu chung cư sẽ tạo nên tâm lý bất ổn cho người mua. Bởi lẽ, niên hạn công trình không có nhiều ý nghĩa. Một sản phẩm chung cư quy định 50 năm hay 70 năm chỉ là con số lý thuyết. Công trình tồn tại lâu hay dài không chỉ dựa vào thiết kế thi công, nguyên vật liệu mà còn phụ thuộc vào quá trình bảo trì bảo dưỡng. Có chung cư dự kiến 70 năm nhưng bảo dưỡng không tốt thì 30 năm đã xuống cấp, ngược lại chung cư bảo dưỡng tốt có thể tồn tại hơn 100 năm.

“Niên hạn là con số xác định chất lượng công trình tương đối còn thực tế như nào cần thẩm định đánh giá định kỳ. Áp niên hạn quyền sở hữu tạo nên tâm lý bất ổn với người sở hữu, nhiều sản phẩm chung cư hiện nay bán ra thị trường có thể có sở hữu 30-40 năm thì bản thân người mua đã băn khoăn rồi chưa kể tài sản của họ được sở hữu đúng thời hạn”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nêu quan điểm.

Bảo Thoa