Người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm về sim rác Vì sao chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược? Phát động cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 10

Tại hội thảo: “Xu hướng F&B bền vững và cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), ông Nguyễn Thành Huy, nguyên Tùy viên thương mại phụ trách Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (Bộ Công thương) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành F&B Việt Nam có những lợi thế là những “vũ khí mềm” để có thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ nhiều quốc gia phát triển về công nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Thứ nhất là giá trị của vùng nguyên liệu. So với những đối thủ lớn, Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu đặc sắc và đa dạng. Đây là giá trị giúp sản phẩm của doanh nghiệp có điểm nhấn, có dấu ấn riêng; nếu doanh nghiệp biết khai thác có thể tăng giá trị cho sản phẩm khi xuất khẩu.

"Vũ khí mềm" trong ngành dịch vụ ăn uống và nhà hàng tại Việt Nam
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Thứ hai, sau Covid-19, xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh ngày càng phổ biến và phù hợp với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là khi Việt Nam có lợi thế về vùng nguyên liệu là thuốc nam. Nếu doanh nghiệp tận dụng được "vũ khí" này thì có thể tạo ra được xu hướng chung cho cộng đồng, góp phần làm tăng giá trị chung cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho rằng, nền ẩm thực của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai so với các nền ẩm thực lớn của thế giới. Tuy nhiên Việt Nam vẫn có nhiều món ăn khiến thực khách nước ngoài phải quay lại nhiều lần, điển hình như món phở hoặc nhiều món ăn đặc trưng khác.

“Khi chúng tôi giới thiệu món phở tại đất nước Thụy Điển, người ta đứng xếp hàng dài, để trải nghiệm phở, cũng là để trải nghiệm 36 món ăn Việt Nam. Với món phở, nhiều người đã trở lại 2-3 lần thưởng thức bởi bởi các gia vị hòa quyện trong đó”, bà Sương chia sẻ.

Nguyên liệu mang bản sắc dân tộc có thể tạo nên sự khác biệt cho các doanh nghiệp ngành F&B.

Bà Sương cũng cho biết, gia vị của Việt Nam hiện đã xuất hiện ở tại rất nhiều siêu thị trên thế giới, từ bột gừng, bột tỏi, bột hành, bột ngò, tiêu… đều đã được phủ sóng tại Bắc Âu, Úc, Mỹ. Từ đó, giúp cho người muốn nấu các món ăn Việt Nam có thể dễ dàng trong việc tìm nguồn nguyên liệu.

Trong khi đó, theo ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery: Để phục vụ thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong ngành F&B cần phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Một trong những điều tiên quyết trong quá trình làm sản phẩm là phải nghiên cứu, đầu tư về nguyên liệu mới.

“Riêng bản thân tôi, luôn coi trọng tìm kiếm các nguyên liệu từ nông sản Việt Nam đưa vào trong các dòng bánh của mình”, ông Kao Siêu Lực cho biết.

Dưới góc nhìn nhà kinh tế du lịch, ông Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho rằng, Việt Nam vừa có núi, có đồng bằng, có biển, một hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Vấn đề là giá trị đó đang nằm ở dạng thô, nên cần có những câu chuyện giới thiệu, làm bật lên sản phẩm một cách tinh tế.

Theo ông Minh, hiện nay du lịch Việt Nam được xem là một trong những điểm đến an toàn. Bên cạnh đó là sự phong phú của các mặt hàng, sản phẩm OCOP. Điều này làm cho cảnh quan nông thôn và làng quê của Việt Nam có sự biến đổi mạnh mẽ.

“Sự kết nối giao thông ngày càng thuận lợi, nhà vệ sinh sạch sẽ, nhận thức của người dân tốt hơn. Điều đó trở thành một sức mạnh tổng hợp làm gia tăng giá trị, cộng hưởng để xây dựng những trải nghiệm, câu chuyện của du lịch. Đó chính là cảm xúc tích cực của du khách thận từ những trải nghiệm nhỏ nhất”, ông Minh nói.