Y bác sĩ, giáo viên mong tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng Những công chức, viên chức nào sắp được tăng lương? |
Với mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng, giáo viên mầm non có lương thấp nhất là 3.129.000 đồng và cao nhất là 9.506.000 đồng.
Giáo viên các trường công lập có thêm một số loại phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi theo nghề, công tác vùng có điều kiện khó khăn, thâm niên, phụ cấp đặc thù, tiền trông nom bán trú. Tuy nhiên, theo cô Mai Hồng - giáo viên mầm non tại Vĩnh Phúc cho biết, không phải ai cũng được hưởng những khoản này.
"Chẳng hạn giáo viên mới ra trường 1-2 năm ở vùng đồng bằng sẽ được nhận rất ít phụ cấp. Như tôi, mỗi tháng, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm, chi phí công đoàn chỉ có thu nhập hơn 3.500.000 đồng" - cô Hồng chia sẻ.
Vì vậy, trước đề xuất tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng, nữ giáo viên này rất vui mừng và mong lương tăng từ ngày 1.1.2023 thay vì thời gian thực hiện từ ngày 1.7.2023.
"Theo hiểu biết của tôi, đã rất lâu công chức, viên chức chưa được tăng lương. Trong khi đó, đến mớ rau, lạng thịt ngoài chợ cũng tăng lên nhiều lần. Chúng tôi cần nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ càng sớm càng tốt, cụ thể là tăng lương vào đầu năm sau" - cô Hồng nêu ý kiến.
Thầy Đình Hiếu - giáo viên Lịch sử bậc THPT tại Thái Bình cho biết, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.
Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7.2020 và tháng 7.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thầy Hiếu và nhiều giáo viên hy vọng được tăng lương cơ sở sớm nhất có thể.
"Bản thân chúng tôi mong chờ được tăng lương ngay trong quý IV. Tuy nhiên, để thay đổi cũng cần có sự chuẩn bị, vì vậy phù hợp nhất là tháng 1.2023. Đợi đến tháng 7.2023 thì quá lâu, không còn nhiều ý nghĩa về việc sẻ chia lúc khó khăn" - thầy Hiếu nói.
Nên tăng lương cơ sở từ đầu năm 2023 vì thời gian chờ đợi đã quá lâu. Ảnh: LĐO |
Còn theo bác sĩ Chi - hiện đang công tác tại bệnh viện tuyến trung ương cho biết, bác sĩ phải mất 6 năm để học tập, sau khi tốt nghiệp tiếp tục thực hành 18 tháng mới được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1, tức 2,34 x 1.490.000 = 3.486.600 đồng (chưa trừ bảo hiểm).
Trong khi đó, bác sĩ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm, hóa chất độc hại, phóng xạ, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Vì vậy, việc tăng lương cơ sở, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề cần nhanh chóng áp dụng, không thể trì hoãn.
"Có những người vì áp lực quá nên phải bỏ nghề, có người phải làm thêm nhiều nghề để mưu sinh. Suy cho cùng, bác sĩ cũng cần đồng lương để trang trải cuộc sống, có no bụng mới có sức để cống hiến. Tháng 7.2023 mới nâng lương cơ sở là quá chậm, theo tôi, tháng 1.2023 là phù hợp" - bác sĩ Chi nêu quan điểm.
/laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/y-bac-si-giao-vien-mong-tang-luong-co-so-ngay-tu-dau-nam-2023-1105601.ldo
Bình luận