Những công chức, viên chức nào sắp được tăng lương? Cần điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 Sau hạn tăng lương tối thiểu vùng - nơi điều chỉnh, chỗ giữ nguyên
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng
Một cổng dịch vụ công tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Không thể trễ hẹn

Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.

Vào cuối năm 2019, Quốc hội ra nghị quyết giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1.7.2020.

Tuy nhiên ngay sau đó, dịch COVID-19 bùng phát, nguồn dành để tăng lương phải dồn cho công tác chống dịch. Chính vì vậy, mức lương cơ sở giữ nguyên từ đó đến nay.

Vào tháng 6.2022, tại diễn đàn Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất, bên cạnh việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, thì cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1.7 hằng năm.

Trước đây, hằng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua thì chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn. “Năm sau cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Rõ ràng khi kinh tế - xã hội được phục hồi, việc tăng lương cơ sở trở nên bức thiết và đáp ứng yêu cầu của hàng triệu công chức, viên chức trong khu vực công.

Ngày 9.10, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Tại phiên họp của thường vụ Quốc hội, sau khi xem xét, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội tại phiên họp tới (khai mạc ngày 20.10) thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Điều kiện để có nguồn tăng lương được chỉ rõ: GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.

14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương. 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%. Thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao.

Mức tăng cao nhất từ trước tới nay

Ngày 12.10, tại cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin: “Ngày 9.10, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1.7.2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp”.

Trong các kỳ tăng lương trước đây, đặc biệt giai đoạn sau 2010, tuỳ vào nguồn ngân sách dành cho tăng lương thì mức lương cơ sở mỗi năm chỉ tăng trong khoảng 7%. Nếu lần này tăng khoảng 20% cũng chính là tính luôn mức tăng cho cả 3 năm. Đây là tính toán hợp lý để bù đắp cho những đợt chưa tăng lương trước đây.

Về thời hạn tăng lương, trả lời Báo Lao Động, nhiều ý kiến của người lao động cho rằng, Quốc hội cần xem xét để có thể tăng lương ngay từ đầu năm 2023 thay vì 1.7.2023.

Chị Nguyễn Thị Hà - giáo viên tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội - cho biết, chị mới được vào biên chế, hiện có hệ số lương là 2,66, lương gần 4 triệu đồng/tháng. Cộng với một số khoản phụ cấp, tổng thu nhập của chị cũng rất thấp. Với mức thu nhập này, cuộc sống của chị khá khó khăn, chật vật, trong bối cảnh vật giá leo thang.

“Tôi được biết, đối với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. Trong khi đó, cùng thời gian này, người lao động trong doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Nếu được tăng lên mức 1,8 triệu đồng thì mỗi tháng tôi cũng được tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Đó là khoản tiền đáng quý hiện nay và tôi mong sớm được tăng lương, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, có lẽ tăng lương từ đầu năm 2023 là hợp lý”- Chị Hà nói.

Ngoài nhóm giáo viên thì lực lượng y bác sĩ cũng đang trông chờ vào việc tăng lương. Bác sĩ Võ Hùng hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên cho rằng, lương bác sĩ ở bệnh viện công quá thấp, đáng lẽ phải quyết định tăng lương từ lâu để nhân viên y tế đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Theo Linh Anh/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-tang-luong-co-so-len-18-trieu-dongthang-1104633.ldo