Bình Dương lọt vào TOP 1 cộng đồng thông minh thế giới Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore xứng đáng là hình mẫu về khu công nghiệp xanh, sạch

Nhiều thay đổi thông minh hơn

Chia sẻ tại tọa đàm “5G - Xây dựng thành phố thông minh sẵn sàng phát triển cho tương lai” trong khuôn khổ hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban chuyển đổi số - Tổng Công ty viễn thông MobiFone cho biết: Vận hành được những thành phố thông minh đòi hỏi phải có những hệ thống mạng có thể đảm bảo cho hàng triệu hay thậm chí là hàng tỷ kết nối với lưu lượng khổng lồ và tốc độ phản hồi tức thời.

5G - nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững
Ảnh minh họa (nguồn internet).

5G là nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững, 5G cho phép tạo ra một cơ sở hạ tầng được kết nối, đồng thời giúp việc thực hiện khắc phục thảm họa nhanh chóng và an toàn hơn.

Theo đó giải pháp thành phố thông minh cho các tỉnh/thành là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu cấp Thành phố, nền tảng số theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đầu tư xây dựng hạ tầng số, nền tảng số phủ sóng 5G, 4G toàn Thành phố; xây dựng đô thị thông minh; trung tâm điều hành đô thị thông minh; camera giám sát, họp trực tuyến…

Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban chuyển đổi số - Tổng Công ty viễn thông MobiFone chia sẻ: “Tháng 6/2022, MobiFone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép 5G tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang… MobiFone đang trong giai đoạn đấu giá băng tần 5G thương mại dịch vụ 5G trên toàn quốc, năm 2024, Mobifone sẽ đầu tư cho 5G tại Hà Nội”.

Chia sẻ về những thách thức và cơ hội phát triển 5G tại thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết từ năm 2019, hai nhà mạng Viettel và Vinaphone đã triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Hiện đã có gần 100 trạm BTS 5G của hai nhà mạng này ở Thủ đô.

Hạ tầng của Hà Nội đảm bảo đầy đủ và đa dạng theo phương châm dùng chung. Hà Nội hiện có gần 12.000 trạm BTS, trong đó khoảng 30% số trạm là các trạm dùng chung. Một trạm BTS có thể dùng chung cho 3, 4 nhà mạng. Việc thúc đẩy quá trình triển khai 5G sẽ góp phần vào quá trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.

“Trong năm 2024, theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ngắt sóng 2G, tuy nhiên, số lượng trạm BTS triển khai mới cho 5G cũng không nhiều bởi có thể lắp trạm 5G lên 12.000 trạm BTS mà Hà Nội có sẵn. Hạ tầng cho 5G đã sẵn sàng và cơ sở pháp lý cho 5G của Hà Nội cũng đã đầy đủ”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.

Mặc dù 5G là nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững, tuy nhiên theo ông Nguyễn Tuấn Huy, để đầu tư cho 5G rất nhiều thách thức vì hầu như các nhà mạng trên thế giới khi đầu tư vào 5G đều lỗ do giá cước không được tăng trong khi tỉ suất đầu tư cho 5G lớn và mật độ phủ sóng phải dày.

Để giải quyết vấn đề này, ông Huy cho biết nhiều quốc gia đã có nhiều cách thức khác nhau như ở Malaysia thành lập công ty chung về hạ tầng. Ba nhà mạng lớn nhất của Malaysia góp vốn chung để xây dựng công ty hạ tầng và sau đó dùng chung hạ tầng đó.

Phát triển nguồn nhân lực viễn thông

Để xây dựng, phát triển thành phố thông minh ngoài yếu tố hạ tầng, kết nối, yếu tố con người, nguồn nhân lực phục vụ ngành viễn thông cũng đóng vai trò quan trọng.

5G - nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm "5G - Xây dựng thành phố thông minh sẵn sàng cho phát triển tương lai".

Chia sẻ khía cạnh đào tạo về viễn thông, 5G để đáp ứng triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam, ông Trần Quý Nam - chuyên gia, Trưởng Lab chuyển đổi số - Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, mỗi năm Học viện luôn có khoảng 2.000 sinh viên ở các khoá được đào tạo về lĩnh vực viễn thông để đáp ứng nhân lực của lĩnh vực viễn thông và phát triển 5G.

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt bản đồ số cho 5G, để định hướng đầu tư cho 5 - 10 năm tới. Học viện luôn xác định vai trò, trách nhiệm thúc đẩy 5G nói chung cũng như các ứng dụng trong đô thị thông minh. Học viện được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp đặt hàng để phát triển sản phẩm khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam.

Hiện nay, xu thế hội tụ giữa công nghệ thông tin và viễn thông cũng như AI rất chặt chẽ. Do đó, Học viện đã tự chủ về chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế thị trường. Theo đó, Học viện có cả các môn học về cấu trúc dữ liệu, lập trình hướng đối tượng, hệ điều hành, thị giác máy tính... là các môn thiên về công nghệ thông tin, đảm bảo các sinh viên viễn thông ra trường thích ứng ngay với công việc hiện nay.