Xây dựng thành phố thông minh - kinh nghiệm từ Đà Nẵng
Hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp
Theo cáo cáo Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.
Thành phố thông minh là xu thế phát triển tất yếu (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Các thành phố xây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp. Cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, chính quyền đô thị từ cấp trung ương đến địa phương đến nay đều đã xây dựng đề án thành phố thông minh, tập trung trước tiên vào thông minh hóa hệ thống quản lý, vận hành chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Là địa phương thuộc nhóm đi đầu cả nước về việc xây dựng thành phố thông minh, tại khuôn khổ hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, từ năm 2019, Đà Nẵng đã ban hành các văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 16/4/2019 của Thành uỷ Đà Nẵng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; Quy hoạch ngành thông tin và truyền thông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là các cơ sở quan trọng để Đà Nẵng đẩy mạnh quy hoạch và phát triển hạ tầng số.
Từ năm 2020, địa phương đã bắt đầu xây dựng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh cho thành phố thông minh. Đây là tiền đề vững chắc để Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện thành phố thông minh trong những năm qua.
Cách tiếp cận trong triển khai thành phố thông minh là triển khai theo từng giai đoạn với lộ trình, trọng số, mức độ ưu tiên khác nhau nhưng đảm bảo tính bền vững trên mô hình tam giác đều gồm: Dữ liệu - Thông minh - Hạ tầng, dựa trên nguyên tắc xuyên suốt được duy trì là: Đa đối tác (Một nền tảng; một hạ tầng; một chính sách) - đa ứng dụng, phục vụ cho tổ chức, công dân.
Hạ tầng số - nền tảng vững chắc xây dựng thành phố thông minh
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết thêm, hạ tầng số thông minh của Đà Nẵng đã được liên tục đầu tư trong những năm qua, đây cũng là nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố thông minh.
Theo đó, hạ tầng mạng kết nối viễn thông dùng riêng đã có mạng đô thị thành phố (Mạng MAN) với 450 km cáp quang ngầm, kết nối 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận đoàn thể từ Thành phố đến xã, phường với băng thông đến 20Gbps.
Thành phố Đà Nẵng được vinh danh hạng mục Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh tại lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 lần thứ IV. |
Mạng wifi công cộng có 300 thiết bị phát wifi chuyên dụng miễn phí; 18 khu vực dãy nhà trọ với 66 thiết bị; 1.000 điểm wifi của các doanh nghiệp triển khai miễn phí tại các khu vực sân bay, nhà ga, các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà văn hóa thôn; Tỉ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tới 95%; tỉ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 98,8%.
Không chỉ vậy, mạng kết nối IoT công cộng cũng được trú trọng khi doanh nghiệp, giảng viên Đại học, sinh viên có thể sử dụng các hệ thống hiện đại như: Hệ thống ứng cứu khẩn cấp tìm kiếm cứu nạn trên sông và biển; bộ điều khiển đèn LED chiếu sáng thông minh. Hệ thống LoRaWireless với 23 trạm, phủ sóng cơ bản kín khắp trung tâm thành phố để kết nối IoT và cho cộng đồng sử dụng chung, phát triển ứng dụng.
Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thông minh. Hệ thống 300 camera giám sát giao thông thông minh được lắp khắp thành phố có ứng dụng công nghệ AI giúp nhận dạng, phân loại phương tiện, thực hiện truy vết lộ trình xe tự động qua biển số, theo dõi tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông, giám sát các phương tiện vận tải, truy vết, xử lý các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải...
Bên cạnh đó là 18 thiết bị đo tốc độ chuyên dụng; hệ thống giám sát đỗ xe thông minh (Danang Parking) đang giám sát tình trạng đỗ xe trên 80 tuyến đường và trong 25 bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố. Các dữ liệu về giao thông được kết nối về trung tâm chung, chia sẻ dữ liệu cho 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Đối với hạ tầng công nghệ nền tảng, kho dữ liệu dùng chung của Đà Nẵng có quá trình thu thập, quản trị dữ liệu hướng đến “đúng, đủ, sạch, sống” . Kho dữ liệu này thu thập thông tin qua các cơ sở dữ liệu nền, thiếp bị IoT … với gần 8 triệu dữ liệu đạt chất lượng và chuẩn hóa hơn 1,3 triệu dữ liệu không đạt chất lượng.
Hệ thống giám sát giám sát quan trắc môi trường của thành phố Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề. Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của Thành phố.
Đà Nẵng cũng xây dựng Cổng dữ liệu mở Thành phố thành nền tảng cung cấp dữ liệu mở thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số với 930 bộ dữ liệu cho hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng Cổng dữ liệu mở này để tạo ra sản phẩm công nghệ số mới, có thể kể đến như: Tra cứu cơ sở an toàn thực phẩm; ứng dụng về quản lý xe cứu thương. Đến nay, hơn 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã đăng ký sử dụng cổng dữ liệu mở Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn có phát triển nhiều nền tảng số nhằm phục vụ người dân. Tiêu biểu là nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng - My Portal Đà Nẵng. Nền tảng này giúp người dân quản lý các giấy tờ như Căn cước công dân, giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ… đồng thời giúp thực hiện các dịch vụ, tiện ích số của chính quyền trên môi trường trực tuyến cũng như cung cấp thông tin, thông báo của chính quyền tới người dân theo hướng cá nhân hóa từng người dùng.
Ngày 30/11, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức lễ vinh danh và trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 lần thứ IV, thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố xuất sắc trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Cùng đó, Đà Nẵng còn được vinh danh ở ba hạng mục gồm: Thành phố điều hành, quản lý - hạ tầng - dịch vụ công thông minh; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Bình luận