Tiêu dùng số - góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia Sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán Muốn phát triển kinh tế số phải tạo điều kiện tối đa cho thương mại điện tử

Năm qua được xem là năm thăng hoa của sàn thương mại điện tử Lazada với nhiều thành tích vượt trội. Lazada xứng đáng với vị thế là một trong những sàn thương mại điện tử tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Theo đó. thương mại điện tử này đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp.

Có thể nhận thấy, một lợi thế đặc biệt mà Lazada đã phát huy rõ trong đợt bùng phát dịch vừa qua là việc làm chủ khâu giao vận, logistics... giúp các doanh nghiệp duy trì bán và giao hàng. Những chính sách hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cho cả người dùng lẫn đối tác của sàn đều xoay quanh hai trụ cột: Đầu tư công nghệ tiên tiến và hệ thống logistics bền vững.

Chia sẻ về điều này tại Hội thảo "Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững", bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics cho biết: Đối với Lazada thì những phát triển về chiến lược bền vững đều xoay quanh công nghệ. Lazada sử dụng công nghệ AI để gợi ý cho người tiêu dùng. Khi dùng công nghệ này người tiêu dùng được cá nhân hóa sở thích của họ, giúp tìm kiếm sản phẩm yêu thích, giảm thiểu thời gian tìm kiếm, giúp cho nhà bán hàng nắm bắt được xu hướng phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, Lazada tạo ra công cụ giúp khách hàng có thể giải trí trong mua sắm từ đó giúp gia tăng doanh số cho nhà bán hàng.

Bán hàng qua mạng cần làm chủ khâu giao vận
Bán hàng thương mại điện tử cần làm chủ khâu giao vận. (Ảnh minh họa: Phương Ngân)

"Tôi cho rằng khi hạ tầng đáp ứng được chuỗi logistics thì sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường, giải quyết các vướng mắc của các bên như nhà bán hàng, nhà vận chuyển, người tiêu dùng. Đối với việc phát triển logictics xanh, thời gian qua Lazada đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường, xanh hóa bao bì đóng gói, kết hợp với vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam", bà Trúc Anh cho biết.

Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog được biết là một startup hàng đầu tại Việt Nam tiên phong về phát triển các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động vận hành logistics. Để khắc phục những tồn tại của hệ thống logistics truyền thống, Smartlog Việt Nam đã dành nhiều thời gian khảo sát thị trường để xác định được rõ những khó khăn cũng như nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp trong ngành logistics. Theo đó, Smartlog Việt Nam đã có những giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" cho các doanh nghiệp logistics.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Phó Tổng giám đốc Smartlog Việt Nam cho biết, có 3 bài toán cần giải về logistics cho các doanh nghiệp kinh doanh đa kênh. Theo phân tích trong 10 năm tới, kinh doanh truyền thống vẫn là kênh thân thiết với người dùng. Sự phát triển của thương mại điện tử, sự đổi mới trong kinh doanh 4.0 đã tạo ra sự phức tạp trong vấn đề logistics. Hiện nay, giải pháp các doanh nghiệp đang sử dụng là đầu tư đội ngũ lớn để nhận hàng, đưa về kho và xử lý.

Ngày 1/1/2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực. Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như vai trò quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo khảo sát về chỉ số On-Shelf Availability (OSA) tỷ lệ hàng có sẵn trên kệ cho thấy bán hàng đa kênh chỉ đạt 80%. Trong khi kinh doanh truyền thống thì tỉ lệ này lên tới 98 - 99%. Chính vì vậy, Smartlog đã xây dựng phần mềm xử lý đơn hàng để các doanh nghiệp có thể kéo đơn hàng về và xử lý với tốc độ nhanh nhất.

Tiếp đó là tối ưu tồn kho. Bán hàng đa kênh tạo ra thách thức về quản lý tồn kho sao cho hiệu quả. Hiện các doanh nghiệp chưa tập trung vào việc này dẫn đến trải nghiệm người dùng chưa tốt. Smartlog cũng có phần mềm quản lý tồn kho để tăng năng lực soạn hàng, cải thiện chi phí.

Tiếp theo là giao hàng. Kinh doanh đa kênh phụ thuộc nhiều vào đối tác vận chuyển, nhưng lại không có hệ thống xử lý kịp thời những vấn đề xảy ra khi giao hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp có hệ thống, song không xử lý kịp thời. Smartlog cũng có phần mềm để cải thiện việc này. "Công nghệ là xu hướng không thể cưỡng lại của logistics, nhất là khâu hậu cần", bà Yến khẳng định.

Định hướng sắp tới, công ty sẽ hợp tác mở rộng mạng lới với doanh nghiệp về công nghệ. Hiện giờ có khá nhiều giải pháp công nghệ nhưng không tập trung, nên doanh nghiệp này sẽ hợp tác như nền tảng của VNPT để các doanh nghiệp kinh doanh có thể lựa chọn giải pháp phù hợp. Đồng thời, kết hợp với đơn vị cung cấp phần mềm kế toán như Misa để giảm thiểu chi phí và thời gian có doanh nghiệp.

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Trên các sàn thương mại điện tử, một số thương hiệu có chiến lược bán hàng rất bài bản, tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và đảm bảo phát triển thương hiệu. Các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng.

Bên cạnh đó, là phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng để phục vụ, chăm sóc, hậu mãi… cũng là giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ khách hàng do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp.

Khi ngành thương mại điện tử phát triển, hoạt động logistics trong thương mại điện tử để nhận đơn đặt hàng cho khách hàng trở nên phức tạp hơn. Nhưng cơ sở hạ tầng logistics thương mại điện tử cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng đạt được. Vì vậy, để cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng mà không tốn thời gian, nguồn lực, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần có những chiến lược bền vững về kho vận, logistics.

Bảo Thoa