Tăng cường kiểm soát thuế bán hàng trên môi trường mạng
Chị Phạm Quỳnh Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang làm việc ở công ty thì shiper gọi ra lấy hàng mua qua mạng. Chị vừa đặt mua hơn 1 triệu tiền hàng qua facebook của một chủ shop. Khi ra lấy hàng, chị không có đủ tiền mặt, shiper nhanh chóng đọc số tài khoản của mình để chị Quỳnh Anh chuyển số tiền mua hàng vào tài khoản. Khi chị thắc mắc “không có số tài khoản của chủ shop à?” thì shiper này nói: “tiền trao cháo múc chị còn lo gì?”.
Chị Quỳnh Anh cho biết, chị thường mua hàng qua facebook thông qua các “tút” bán hàng hoặc các livestream của chủ hàng và trả bằng tiền mặt cho shiper. Đôi khi không có tiền mặt thì sẽ chuyển khoản cho shiper, giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Chị cũng không quan tâm lắm đến việc chủ shop có nộp thuế hay không.
Lướt qua facebook cá nhân chỉ vài phút có thể thấy hàng loạt thông tin bán hàng, có những “tút” bán hàng có tới hàng triệu lượt người xem và hàng nghìn bình luận mua hàng. Như vậy, tính sơ qua đã có thể hình dung số lượng người mua hàng rất lớn, số tiền mà chủ shop thu được qua hình thức “tiền trao cháo múc” cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, một số chủ shop khẳng định rằng, “chưa bị cơ quan thuế sờ gáy”. Nếu có, họ sẵn sàng xóa trang cá nhân và lập trang khác, tiếp tục bán hàng theo hình thức “nhỏ lẻ” này.
Các "tút" bán hàng trên facebook có hàng nghìn người quan tâm và bình luận mua hàng. |
Thực tế hiện nay, những cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn xuất hiện ngày càng nhiều với các hình thức như post bài, livetream, bán hàng thông qua các nhóm mở, nhóm kín… Đây là thách thức với cơ quan thuế trong việc quản lý hình thức kinh doanh này.
Hiện tại, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã triển khai việc thu thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng online. Theo đó các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế.
Dù cơ quan thuế đã gửi thư mời, nhắn tin cho các chủ tài khoản kinh doanh, bán hàng trên mạng xã hội nhưng số lượng chủ tài khoản đến kê khai thuế lại rất ít so với con số hơn 26.000 tài khoản đã được hai cục thuế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh “tóm” được.
Thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội hiện nay chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ đăng ký kinh doanh kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, vấn đề khá nhức nhối đối với ngành thuế hiện nay khi tiến hành động viên các cá nhân bán hàng qua mạng kê khai nộp thuế thì tất cả các trường hợp này đều tìm mọi lý do minh chứng doanh số không đủ nộp thuế.
Tại phiên chất vấn của đại biểu về thu thuế kinh doanh trên nền tảng số, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là lĩnh vực rất mới, hiện đã bị thất thu lớn trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ.
Mặc dù, Bộ Tài chính ban hành thông tư yêu cầu chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho những người tham gia sàn, nhưng không được đồng thuận. Do đó, Bộ Tài chính đang dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, bởi khó khăn hiện nay là người tham gia sàn thương mại điện tử có thể ở ngước ngoài, chứ không chỉ ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay các tập đoàn công nghệ như Youtube, Google, Microsoft… đã đăng ký và nộp thuế đầy đủ.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giải quyết một bước, các tập đoàn lớn về công nghệ thông qua khai trương cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, các tập đoàn đã kê khai nộp thuế. Sau này tiến hành thanh tra sau. Còn sàn thương mại điện tử cũng đang được tích cực kiểm tra.
Còn đối với trường hợp hàng hóa bán qua Zalo, Facebook và các nền tảng khác, giao dịch bằng tiền mặt, ông Hồ Đức Phớc cho rằng đây là khoản thất thu rất lớn. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác để thắt chặt trong lĩnh vực này. Trong tương lai, sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng.
Bảo Thoa
Bình luận