Lý giải nguyên nhân lần đầu giá dầu cao hơn giá xăng Kiểm soát giá để hoá giải áp lực lạm phát cuối năm Không để gián đoạn nguồn cung xăng, dầu dịp cuối năm

Biến động giá dầu trong nước và thế giới

Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh của 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất.

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 3/2022. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD / thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD / thùng. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.

Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó
Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”.

Theo tiến sĩ Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá dầu thế giới hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung sản lượng (của OPEC+, Nga, Iran…); triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới; biến động địa chính trị thế giới; và biến động giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới.

Một số yếu tố có thể giải thích cho việc giá dầu giảm vừa qua, theo tiến sĩ Lương Văn Khôi phân tích, đó là do nguồn cung dầu được cải thiện. Mỹ hiện đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Tổng thống Mỹ Biden đã thực hiện chuyến công du Trung Đông nhằm tìm cách giảm giá dầu trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng kỷ lục đe dọa đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022.

Công suất lọc dầu cũng đang tăng lên ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp giảm giá tăng cao. Cụ thể, các thành viên của Nhóm các nước xuất khẩu mỏ OPEC + (bao gồm cả Nga) đã tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022, đồng thời thỏa thuận tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Tiếp theo là triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Các số liệu tăng trưởng kinh tế thế giới quý II/2022 cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu: Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm hai quý liên tiếp, giảm 1,6% trong quý I/2022 và 0,9% trong quý II/20022; kinh tế Nhật Bản quý II/2022 sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng và chi tiêu dùng giảm.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, chỉ 0,4% trong quý II/2022 - mức thấp nhất trong hai năm qua do ảnh hưởng của chính sách zero Covid. Giá dầu tăng cao do xung đột tại Ukraine khiến các nước phải thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cùng với chính sách zero Covid của Trung Quốc và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy giảm tăng trưởng thế giới.

“Cùng với đó, ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, EU,… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm. Khả năng Mỹ và Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dẫn đến sẽ có thêm nguồn cung từ Iran và khiến giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ không xem xét việc tiếp tục nhượng bộ Iran để đáp lại một dự thảo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC”, tiến sĩ Lương Văn Khôi phân tích và nhận định.

Những yếu tố trên cho thấy giá dầu vẫn có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Giá dầu có thể giảm hơn nữa nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh theo đề xuất của EU, theo đó xuất khẩu xăng dầu tiềm năng của Iran có thể tăng ít nhất một triệu thùng/ngày.

Kịch bản tăng, giảm khó lường

Cũng theo phân tích của đại diện Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, vẫn có khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý IV do một số nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu có thể tăng vào mùa đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu. Thứ hai, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.

Thứ ba, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600 nghìn thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022 xuống còn hơn 100 nghìn thùng/ngày vào tháng 9. Ả Rập Saudi mới đây cho biết OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó
Giá dầu có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. (Ảnh minh họa)

Ngày 5/9/2022, OPEC+ (OPEC và các nước thành viên ngoài OPEC, một nhóm liên minh có tầm ảnh hưởng lớn) đã đồng thuận về việc sẽ giảm nhẹ sản lượng từ tháng 10/2022 khoảng 100.000 thùng/ngày trước những lo lắng về giá cả trượt dốc, nhu cầu yếu ở Trung Quốc và các cuộc đàm phán với Iran. Việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm khoảng 0,1% nhu cầu toàn cầu nên sẽ có rất ít tác động thực tế đến nguồn cung. Nhưng điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng.

Thứ tư, số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung có khả năng thu hẹp. Theo EIA, đến ngày 19/8, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng, còn tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Thứ năm, căng thẳng Nga – Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh.

Những điều này khiến giá dầu tăng, song cũng đồng thời khiến giá dầu giảm khi kinh tế EU suy giảm/suy thoái. Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Moscow, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ và các đòn trừng phạt từ EU trong đó “EU ngừng nhập khẩu ngay lập tức 2/3 dầu thô từ Nga, làm giảm đáng kể nguồn thu của Moscow cho chiến dịch quân sự”, đã khiến Nga phải xoay trục khỏi châu Âu và chuyển sang thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.

Như vậy, về cơ bản lượng cung từ Nga không giảm nhưng do tác động tiêu cực tới kinh tế EU khiến kinh tế thế giới nói chung suy giảm, khiến nhu cầu về dầu giảm nên về tổng thể sẽ khiến giá dầu thế giới giảm. Một số điểm phân tích ở trên cho thấy giá dầu thế giới có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại sau khi giảm sâu, ít nhất là trong ngắn hạn khi mùa đông sắp tới.

“Như vậy có thể nhận thấy, từ nay đến cuối năm có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch”, tiến sĩ Lương Văn Khôi nhận định.

Bảo Thoa