Doanh nghiệp thực phẩm đón sóng tiêu dùng cuối năm Kiểm soát giá để hoá giải áp lực lạm phát cuối năm
Ðội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, giám sát tình hình thị trường về giá cả, cung cầu hàng hóa tại địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh KIÊM DUYẾN)
Ðội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, giám sát tình hình thị trường về giá cả, cung cầu hàng hóa tại địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh KIÊM DUYẾN)

Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần và hiện đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Khi giá xăng dầu tăng cao, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ lập tức điều chỉnh theo hướng tăng với lý do cước vận chuyển tăng. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của người dân, khi giá xăng dầu giảm mạnh, đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tại một số khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, rau củ, thịt, trứng vẫn giữ nguyên giá bán. Giá rau muống vẫn ở mức 10.000 đồng/mớ, rau cải 8.000 đồng/kg, thịt bò loại ngon 250.000 đồng/kg, giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 35.000 và 32.000 đồng/chục. Các mặt hàng gạo cũng hầu như giữ nguyên giá bán, trong đó, gạo tám Hải Hậu, tám Ðiện Biên ở mức 18.000 đồng/kg...

Chị Thu Liên, kinh doanh bán hàng online tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, trước khi đẩy giá lên các tiểu thương đều lấy lý do giá xăng dầu đắt đỏ khiến mọi chi phí đắt theo. Trong khi đó, lúc giá xăng dầu giảm, người bán hàng lại lấy lý do thời tiết, chi phí phân phối chưa giảm cho nên từ mớ rau, cân thịt vẫn đứng ở mức cao.

Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá, ghìm giá theo kiểu "té nước theo mưa". Anh Trần Hải Nam, một công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội lo lắng: "Tuy giá cả hiện tại biến động không nhiều, nhưng do năm nay Tết Âm lịch đến sớm, tôi lo rằng sẽ có một đợt tăng giá trong thời gian sắp tới".

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, tâm lý lo lắng của người dân là có cơ sở, tuy nhiên thời điểm hiện nay, đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thủy hải sản… Tổng mức dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa bình ổn giá chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Thủ đô, đến nay, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá thị trường. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân dịp trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ðồng thời có phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách đến mua sắm theo quy định. Hàng hóa bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết. Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường, gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…

Cùng với việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Sở Công thương Hà Nội đôn đốc 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa. Riêng chợ truyền thống, nơi cung cấp 75% lượng hàng hóa, Sở yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về quản lý, điều hành giá 9 tháng năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Ưu tiên bảo đảm nguồn cung, bảo đảm cân đối cung-cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm…

Theo nhận định của các chuyên gia, những tháng cuối năm, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao, biến động, chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong tỉnh, trong nước còn lớn, nhất là xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm. Vì vậy, để kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, cùng với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, ngành chức năng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, dự báo sớm nguồn cung và nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có nhiều biến động về giá cả.

Theo KIM OANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/binh-on-thi-truong-dip-cuoi-nam-post725686.html